(kontumtv.vn) – Việc tái canh cà phê đối với các tỉnh Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ lâu. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này được triển khai thực hiện ở các địa phương diễn ra chậm, thậm chí là không đạt mục đích đề ra.

Mặc dù phải đối diện với thời tiết hạn hán khốc liệt trong những tháng vừa qua, nhưng vườn cà phê mới trồng chưa đầy 1 năm của Công ty TNHH MTV 734, Đăk Hà, Kon Tum) vẫn phát triển tốt, hứa hẹn cho kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, đây chỉ là vườn cà phê ít ỏi trong 5 ha đầu tiên mà Công ty TNHH MTV 734 vừa mới tái canh. Qua tìm hiểu, hầu hết những người dân nhận khoán ở đây đều chung một mong muốn. Anh Đỗ Bá Hương, Đội 1,Công ty TNHH MTV 734 nói: “Phần lớn công nhân bây giờ cũng muốn được chuyển đổi tái canh để phát triển mới, chứ vườn cà phê quá già cỗi rồi. Tới đây nhà tôi cũng xin tái canh nửa ha, đưa giống mới vào trồng, mong là sẽ cải thiện được cuộc sống”.

Diện tích cà phê đã được tái canh
Diện tích cà phê đã được tái canh

“Toàn bộ vườn cà phrr đã trên 30 năm rồi, mặc dù đầu tư rất nhiều, nhưng hiệu quả đem lại rất thấp, nên bà con mong muốn Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng làm thế nào để có biện pháp mới để làm nhanh, cải tạo được vườn cây cà phê trong thời gian gần nhất, để đưa năng suất, sản lượng cà phê Việt Nam tốt hơn”. Ông Trần Văn Tuyến, Đội trưởng Đội 1, Công ty TNHH MTV 734 đề nghị.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV 734 có 360 ha cà phê trồng trên dưới 30 năm. Tái canh vườn cây, trong 2 năm 2015 – 2016, Công ty tiến hành thí điểm trẻ hóa vườn cây 25 ha, trong đó có 5 ha đã được trồng và đi vào chăm sóc năm thứ nhất, còn lại 20 ha sẽ được trồng trong năm nay. Để đầu đầu tư  tái canh 1 ha cà phê phải mất từ 250 – 280 triệu đồng. Như vậy vấn đề vốn thực hiện tái canh là yếu tố rất cần thiết. Ông Lê Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV 734 cho biết: “Hiện nay Công ty đã chi dùng vốn tự có để thực hiện tái canh, còn vốn vay thì hiện nay Ngân hàng đã duyệt hồ sơ và chấp nhận cho vay, nhưng đến tại thời điểm này thì vẫn chưa giải ngân được”.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc tái canh cà phê trong nhân dân vẫn còn chậm là đa số vườn cây mới trồng sau này, nên chưa có nhu cầu. Còn đối với những vườn cây của các công ty cần phải tái canh  thì việc đầu tư phải mất 5 năm, trong khi đó mất 2 năm cải tạo đất, 1 năm trồng mới và 2 năm kiến thiết cơ bản, một thời gian rất dài làm mất thu nhập của người dân nhận khoán. Ông Đoàn Văn Bình, Phó giám đốc Công ty Cà phê Đăk Uy nói: “Tái canh vườn cây là tái canh cuốn chiếu, ví dụ một vườn cây 1 ha đi vào tái canh thì ít nhất là anh có thể tái canh từ 0,3 – 0,5 ha, làm đến đâu là gọn đến đó chứ không phải làm vá, làm theo kiểu cánh đồng mẫu lớn được”.

Hiện nay, tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gần 15.000 ha, và theo kế hoạch trong giai đoạn 2015 – 2020, số diện tích cà phê cần phải tái canh gần 2.200 ha. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay thì khó để thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

 

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *