(kontumtv.vn) –  Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, tỉnh Kon Tum đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

30 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum, từ một địa phương chỉ có 230 ngàn người sinh sống tại 5 đơn vị hành chính, đến nay, dân số của tỉnh đã hơn 500 ngàn người với 10 huyện, thành phố. Diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn có sự thay đổi đáng kể. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là lồng ghép khéo léo, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động vốn xã hội hóa, đến nay, toàn tỉnh có 36 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó 29 xã đã được công nhận xã nông thôn mới với 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 06 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong 11 đơn vị hành chính, thành phố Kon Tum là địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ về không gian, kết cấu hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2022, từ năm 2016 đến nay, thành phố tập trung đầu tư xây mới các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội. Đặc biệt, các tuyến giao thông huyết mạch, đường tránh tiếp tục được đầu tư, mở rộng đã tạo thêm nhiều cơ hội để các xã, phường trên địa bàn thông thương, giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: “Được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, các bộ, ngành trung ương và sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum thể hiện trên các mặt về phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật đô thị cũng như mở rộng không gian đô thị trong thành phố. Từ tiêu chí đô thị loại III phấn đấu lên đô thị loại II trong hơn 15 năm với nguồn lực chủ yếu tự có là chính thì đó là sự nỗ lực vượt bậc, trong đó, thể hiện nhất là vấn đề cảnh quan đô thị, khu vực đô thị và đời sống cũng như thu nhập của người dân được tăng lên.”

Giai đoạn 2015-2020 chứng kiến những chuyển biến tích cực và mạnh mẽ về kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Những chủ trương, đường lối đúng đắn của Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã tạo tiền đề cho sự phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn duy trì ở mức khá, hơn 9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ hơn 1.400 USD năm 2015 lên hơn 2.000 USD, tương đương trên 46 triệu đồng vào cuối năm 2020. Trong 5 năm, tỉnh đã huy động được hơn 62.300 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, sử dụng hiệu quả trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là tại 3 vùng kinh tế động lực. Năm 2020, 2021, với việc đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực đột phá, tỉnh Kon Tum tiếp tục thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư; tiêu biểu như Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy với tổng vốn hơn 2.500 tỷ đồng do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư; hay gần đây nhất là mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa tỉnh Kon Tum với Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam) và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) trong khảo sát, triển khai Tổ hợp dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương với vốn đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của các cấp ngành và tinh thần đoàn kết của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, kinh tế – xã hội tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều địa phương ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Anh A Lưới, người dân ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy phấn khởi chia sẻ: “Năm nay thì giá cao su được chút so với năm vừa rồi. Mỳ cũng vậy, mỳ năm nay giá cũng được. Bà con thì thu nhập cũng ổn định hơn. Cao su, mỳ được giá thì bà con mừng. Gia đình tôi năm nay tôi thu mỳ tính ra gần 100 tấn, tính giá 2.300 đồng thì được hai trăm mấy chục triệu. Cao su thì gần 3,5 ha rồi một ngày gia đình cạo mủ, thu mủ bán gần 1 triệu mấy, có khi 2 triệu cũng có, theo mủ nhiều hay ít. Thì gia đình cũng ổn định, thu nhập cũng cao, con cái cũng được ăn no mặc ấm, gia đình cũng phấn khởi.

Kết quả đạt được trong thời gian qua tiếp tục là tiền để các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Chùm Nghị quyết của Đảng mình là kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng xã hội, an ninh – quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, đại đoàn kết các dân tộc là có tính chất quyết định công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, mình không nói to lớn ra là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mà phát triển kinh tế – xã hội của mình đây. Mục tiêu cuối cùng là để cho dân thụ hưởng.

Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp khi mới thành lập lại, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có những bứt phá mạnh mẽ trên chặng đường phát triển. Tinh thần đoàn kết các dân tộc, quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng, nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục trở thành sức mạnh to lớn để tỉnh vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *