(kontumtv.vn) – Thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011- 2015, 5 năm qua, tuy nguồn nhân lực của tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh cả về số lượng, chất lượng, về trí tuệ, thể chất, năng lực và đạo đức đang được Hội đồng phát triển nhân lực tỉnh quan tâm trong giai đoạn tới.

5 năm qua, bên cạnh việc quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; đa dạng hóa các hình thức đào tạo ở bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn – kỹ thuật của nhân lực. Kết quả, trong giai đoạn 2011- 2015 tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 17.300 lao động ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung chiếm 42% và đạt hơn 93% so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho trên 14.600 lượt cán bộ, công chức, viên chức từ cấp xã đến cấp tỉnh; đồng thời cử trên 400  cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo sau đại học. Trong đó đào tạo mới 16 tiến sĩ, đạt 160% kế hoạch; 122 thạc sĩ và tương đương, đạt 72,6% kế hoạch. Qua đó đã góp phần hoàn thành mục tiêu 80% cán bộ,công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo bước chuyển biến đáng kể về chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Tuy nhiên, với điều kiện là tỉnh miền núi, tỷ lệ lao động tại nông thôn chiếm khá cao, nên nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, phần lớn lực lượng lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật và đạt trình độ sơ cấp. Số lượng lao động chất lượng cao trong các cơ sở sản xuất, trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, y tế còn thấp. Chính sách thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong giai đoạn 2011- 2015 chỉ tuyển dụng, thu hút 32 sinh viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ và đại học loại giỏi,  đạt 32% so với mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp Hội đồng nhân lực tỉnh mới đây do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga – Chủ tịch Hội đồng phát triển nhân lực tỉnh chủ trì, ngoài việc đánh giá kết quả tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum trong năm 2015 và giai đoạn 2011- 2015, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum năm 2016 và giai đoạn 2016- 2020, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ nguyên nhân những mặt hạn chế, bàn giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh trong giai đoạn tới. Trong đó đặc biệt chú trọng đến những giải pháp đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại tỉnh và đào tạo nghề cho lao động phổ thông. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt 52%, đào tạo mới cho 280 thạc sĩ, 10 tiến sĩ, thu hút 50 trường hợp là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về công tác; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, nâng cao nghiệp vụ và kiến thức bổ trợ cho khoảng 16.000 lượt cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh. Đến năm 2020, 100% cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt từ 30-85% tùy theo bậc học.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga đã đánh giá cao tinh thần tham gia góp ý xây dựng của các thành viên Hội đồng; giao cho cơ quan thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, sớm bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch năm 2016 và giai đoạn 2016- 2020 để ban hành. Trên cơ sở đó từng sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hàng năm. Đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, xã; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động để tạo sự thống nhất về cung cầu lao động, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các đơn vị về phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo; tích cực chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tại cơ quan, đơn vị mình, nhằm phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh cả về số lượng, chất lượng, về trí tuệ, thể chất, năng lực và đạo đức để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *