(kontumtv.vn) – Những năm  gần đây, Kon Tum dần ghi dấu trong bản đồ du lịch của đất nước, trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Ngoài những cái tên quen thuộc như thác Pa Sỉ, hồ Đăk Ke, nhà thờ gỗ… trong mùa du lịch năm 2018 Kon Tum có thêm nhiều điểm đến mới mẻ, khó lòng bỏ qua.

Quán cà phê, tranh gạo Làng Hồ của nữ họa sĩ Kiều Đăng lâu nay là điểm đến quen thuộc của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh. Nằm sát bờ sông Đăk Bla, quán cà phê được Kiều Đăng xây dựng phỏng theo kiến trúc nhà sàn của người Bahnar. Sự thô mộc của quán gợi lên một không gian ấm áp. Đến quán, du khách có thể chụp được nhiều kiểu ảnh trong không gian bếp thu nhỏ, nhâm nhi ly cà phê ở một góc của căn nhà tranh chập hẹp – nơi có lẽ chỉ còn lại trong kí ức của nhiều người.

Ngoài thức uống khá ngon và lạ được pha chế từ các loại dược liệu sẵn có tại địa phương, quán cà phê của họa sĩ Kiều Đăng còn được du khách tìm đến bởi cảm nhận như đến một phòng trưng bày tranh gạo. Thú vị hơn, du khách có thể tự tay sáng tạo ra những tác phẩm theo sở thích của riêng mình. Dựa trên những phác thảo có sẵn của Kiều Đăng, nhân viên của quán sẽ hướng dẫn du khách cách phết keo, xếp gạo, tạo nên những hình khối với chủ đề phong cảnh, thư pháp hoặc du khách có thể đặt làm những bức tranh chân dung, tranh gia đình tùy thích. Chị Kiều Đăng, chủ quán cà phê Làng Hồ, thành phố Kon Tum chia sẻ về ý tưởng xây dựng quán: “Tôi muốn đưa chủ đề của mình là tranh gạo để giới thiệu cho du khách biết về vòng đời của cây lúa bắt đầu từ trên nương rẫy để ra những gạo, từ những hạt gạo đó làm ra những tác phẩm nghệ thuật. Cũng chính những hoạt động văn hóa của họ trên những bức tranh, như vậy khách rất thú vị. Tôi muốn gửi gắm cái ý nghĩa của hạt gạo của người Việt Nam nói chung và người Tây Nguyên nói riêng.  Họ có những trải nghiệm làm tranh, có những sản phẩm mang về”.

Vườn hoa Bách Nhật, thành phố Kon Tum
Vườn hoa Bách Nhật, thành phố Kon Tum

Những ngày cuối tháng 11/2018, hình ảnh về vườn hoa ở thôn 2, xã Đăk Cấm, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 7 km liên tục được các bạn trẻ và người yêu hoa chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Vườn hoa Bách Nhật, chủ nhân là chị Lê Thị Hưng đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Từ hơn 1 sào đất vườn, chị cải tạo trồng hoa hướng dương, cánh bướm, địa lan…Sau hai tháng vun trồng, vườn hoa khoe sắc, chủ nhân chính thức mở cửa đón khách tham quan, và trở thành một địa điểm hút khách.

Với giá vé 25.000đ/ người, trung bình mỗi ngày vườn hoa đón trên 300 lượt khách ghé thăm, chụp hình. Khung cảnh ngập tràn sắc hoa rất thích hợp để các bạn trẻ đến check in “sống ảo”. Nhiều gia đình cũng chọn vườn hoa Bách Nhật để lưu lại hình ảnh bên nhau. Khung cảnh đẹp, thơ mộng của vườn hoa đã trở thành lựa chọn của những đôi bạn trẻ trong mùa cưới, bởi chi phí ít, không phải di chuyển quá xa để chụp hình lưu niệm. Khách tham quan có thể đặt mua hoa tại chỗ với giá cả phải chăng. Một khách tham quan đến từ huyện Đăk Tô cho biết: “Tôi biết đến vườn hoa này do trang Facebook Tôi yêu Kon Tum đưa lên và do bạn bè một số người đã đến chụp hình giới thiệu. Mới đầu tôi đến vườn hoa này cho tôi cảm giác mới lạ. Lần đầu tiên ở Kon Tum mới có một vườn hoa to và rộng như thế này. Ngoài mục đích chụp hình tôi đến đây để ngắm cảnh, ngắm hoa”.

Chị Lê Thị Hưng chia sẻ, hiện chị đang cải tạo lại vườn hoa Bách Nhật để kịp mở cửa đón du khách trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Chị nói: “Trước là mở vườn hoa lan mocara, sau này chưa thấy một vườn hoa nào dành cho khách tham quan hay chụp hình nên tôi đã nghĩ ra mở ra một vườn hoa vừa kết hợp kinh doanh hoa lan vừa cho khách chụp hình. Sắp tới tôi sẽ mở một vườn hoa, phong phú thêm nhiều loại hoa hơn như hoa hồng ri, hoa bách nhật màu trắng, màu đỏ, thêm hoa mào gà, hoa hướng dương của Nhật sẽ đẹp hơn và phong phú hơn”.

Xu thế du lịch hiện tại, ngoài việc khám phá, trải nghiệm thiên nhiên ở những nơi có phong cảnh hoang sơ, những người yêu du lịch còn tìm đến những mảnh đất đa sắc màu về văn hóa. Đáp ứng với nhu cầu và sở thích của du khách, những năm gần đây, tỉnh đã có những chính sách, định hướng ngành hữu quan đổi mới cách làm du lịch. Ngoài việc mở thêm các tour tuyến du lịch, ngành du lịch khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu homestay vào những nơi có ưu thế về du lịch cộng đồng như thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, Sa Thầy, Tu Mơ Rông. Gần đây nhất, thực hiện Chương trình số 35 ngày 18/5/2017 của Tỉnh ủy và Quyết định số 1607 ngày 28/12/2016, phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, UBND huyện Kon Plông đã xây dựng làng Kon Pring, xã Đăk Long trở thành làng du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện.

Cách Khu Du lịch sinh thái quốc Măng Đen – Kon Plông khoảng 3km về hướng Quảng Ngãi, làng Kon Pring nằm cạnh Quốc lộ 24, trong lòng thung lũng được bao quanh bởi thông. Làng có 5 ngôi nhà dài được xây dựng để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Mỗi ngôi nhà có sức chứa từ 15 đến 20 người, có đủ các vật dụng cần thiết để du khách sử dụng khi lưu trú. Điều đặc biệt, vật dụng ở đây đều được trang trí hoa văn, họa tiết đặc trưng của người Mơ Nâm. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen là đơn vị tiếp nhận khách du lịch và hỗ trợ dân làng làm du lịch cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Thấy được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, cái thuận lợi là bản sắc của người Mơ Nâm tại đây vẫn được lưu giữ, phong tục tập quán vẫn được lưu giữ, bên cạnh làng du lịch cộng đồng Kon Pring cũng là làng có địa thế khá thuận lợi, rất gần Khu Du lịch sinh thái Măng Đen nói chung, bên cạnh đó cảnh quan của làng vẫn được lưu giữ bởi những hàng thông, con suối uốn quanh làng cũng tạo ra bức tranh phong cảnh hữu tình”.

Với những ưu thế về phong cảnh, làng Kon Pring là địa điểm lý tưởng để khách du lịch check in và trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu văn hóa của người Mơ Nâm. Trong mỗi căn nhà dài, chủ nhà dành không gian để trưng bày các sản phẩm từ thổ cẩm, các vật dụng hàng ngày và cả những nhạc cụ được dùng trong lễ hội. Dân làng Kon Pring thân thiện và rất mến khách nên sẵn sáng hát giao duyên, kể những câu chuyện tình của những chàng trai cô gái dân tộc thiểu số khi du khách có nhu cầu. Bà Y Lim, nghệ nhân làng Kon Pring chia sẻ về niềm vui được đón khách du lịch: “Có khách mình rất mừng, trước đây mình chưa từng thấy có khách du lịch tới làng, từ khi có làng du lịch, có bản sắc của mình, khách du lịch tới càng đông, khách tới làng vậy mình rất mừng và cũng rất tự hào”.

Những điểm đến như cà phê Làng Hồ, vườn hoa Bách Nhật hay làng du lịch Kon Pring thời gian qua đã góp phần tạo nên những nét mới trong du lịch Kon Tum, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Kon Tum. Tuy nhiên, để biến những điểm check in này thành những điểm du lịch ấn tượng, lưu lại hình ảnh đẹp với du khách, rất cần sự quan tâm đầu tư và tâm huyết hơn nữa của người làm du lịch. Kon Tum làm được, chắc chắn du khách sẽ khó quên vùng đất giàu bản sắc văn hóa và mến khách.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *