Kỳ họp thứ 9: Quốc hội dự kiến làm việc 29 ngày, thông qua 11 dự án luật
17.03.2015(kontumtv.vn) – Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến vào chương trình (dự kiến) kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Về cơ bản, các dự án luật và một số nội dung khác được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào các phiên họp 35, 36, 37, 38, gần ngày khai mạc kỳ họp sẽ tập trung xem xét các nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và rà soát lại một số nội dung trình Quốc hội.
11 dự án luật trình Quốc hội thông qua đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến từ phiên họp thứ 33 đến 35, đến nay đã có 4 dự án luật gửi xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội.
Riêng dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cho đến nay do còn một số ý kiến khác nhau nên sau khi cho ý kiến tại phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát nội dung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ trước ngày 15/4/2015; dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp 38 vào tháng 5/2015, trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vào trung tuần tháng 4/2015 để cho ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bao gồm: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có công văn đề nghị bổ sung dự án luật Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi) vào chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 6-11/4.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, tiếp tục phát huy hiệu quả của các kỳ họp trước, bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau với dự án luật có liên quan tới nhau; bố trí 2 dự án thảo luận 1 buổi tại tổ và 1 dự án thảo luận 1 buổi ở hội trường.
Riêng một số dự án quan trọng như: Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi)… sẽ bố trí 1 buổi thảo luận ở tổ và 1 buổi thảo luận ở hội trường.
Về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tại phiên họp thứ 35, sau khi cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, nghiên cứu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đã đề ra tại phiên họp, chuẩn bị hồ sơ bảo đảm đúng quy trình, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 29 ngày, khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc vào ngày 24/6.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, các dự án luật đưa ra thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất thiết phải qua thẩm tra và phải có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Luật Tố tụng hình sự không thể đưa vào hội nghị chuyên trách lần này, vì lần này chỉ trình ra Quốc hội cho ý kiến.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm: “Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự là hai bộ luật rất lớn, ba bốn trăm điều. Hai luật này dự kiến một kỳ họp Quốc hội cho ý kiến, kỳ họp sau mới thông qua. Với Bộ Luật Tố tụng hình sự đến bây giờ chúng tôi chưa thẩm tra được và đang cố gắng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4. Chúng tôi đề nghị đưa ra Quốc hội thảo luận, mổ xẻ, trình bày tất cả các quan điểm, sau đó góp lại các vấn đề khác nhau, lúc đó mới thảo luận hội nghị chuyên trách”.
Liên quan những dự án luật trên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Luật Dân sự lấy ý kiến toàn dân, còn Bộ Luật tố tụng hình sự nếu cần lấy ý kiến nhân dân dân phải báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 9./.