(kontumtv.vn) – Sáng 1/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876-1/10/2016).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Noi gương cụ Huỳnh Thúc Kháng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc trên hết, trước hết. Ảnh: VGP/Thế Phong

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng  Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Quân khu 5, đại biểu trong và ngoài tỉnh Quảng Nam, đại diện gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng tơi dự.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ cụ Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, với lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh kiên cường và nhân cách cao đẹp, cả đời nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước, cụ Huỳnh đã đến với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành người bạn tri kỷ, chân thành của Bác.

Từ một chí sĩ nho học đầu thế kỷ XX và một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, cụ đã trở thành một người lãnh đạo Nhà nước cách mạng Việt Nam và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lãnh đạo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước chân chính. Với tư cách là người sáng lập và cũng là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh đã dốc hết nhiệt tâm của mình mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.

Bằng uy tín của một chí sĩ nhiệt thành yêu nước, thương dân, cụ Huỳnh đã góp phần xây dựng khối đoàn kết tất cả lực lượng và đồng bào yêu nước, dựa chắc vào dân để đối phó với thù trong, giặc ngoài. Cụ khẳng định: “Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ thì con thuyền cách mạng Việt Nam ta nhất định đến bến vinh quang, nước ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do”.

Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học, sử học. Đóng góp ở đỉnh cao về tư tưởng phải kể đến những sáng tác của cụ thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám. Những bài thơ, bài báo, bài viết trong giai đoạn này đều thể hiện tình cảm tha thiết của cụ Huỳnh đối với dân tộc và đất nước.

Đặc biệt, là một nhà sử học uyên bác, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà; đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh “không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao về trí tuệ và nhân cách của cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người suốt đời trung thành với Chính phủ, với đất nước, là một khúc ca hùng tráng. Noi gương cụ Huỳnh Thúc Kháng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết.

Chủ tịch nước và các vị đại biểu dâng hương tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Báo Quảng Nam

*Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.

Thế Phong/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *