(kontumtv.vn) – Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, nhưng thời điểm này cả thầy trò đều rối tung trong việc chọn môn gì ôn luyện để vượt qua kỳ thi “2 trong 1”.

Tất cả đều “nín thở” chờ đợi bộ đề thi minh họa mà Bộ sẽ ban hành…

Lúng túng chọn môn…

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.

Ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì học sinh được chọn môn thứ 4. Tuy nhiên, trước thời điểm đăng ký môn thi tốt nghiệp (từ ngày 17/3 đến 17/4), nhiều thí sinh vẫn lo lắng, băn khoăn nhất là chọn môn gì, lựa chọn bao nhiêu môn thi để có kết quả tốt nghiệp tốt nhất và nhiều cơ hội vào ĐH hơn cả.

Cùng tâm trạng đó, em Thu Hương, học Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội băn khoăn cho biết: Ở lớp em nhiều bạn vẫn mông lung, mơ hồ chưa biết chọn được môn thi, có bạn thì chọn thi 6 – 7 môn.

ky thi thpt quoc gia 2016: thay tro "roi tung" cho phuong an hinh 0
Sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh ôn thi có hiệu quả.

Em thi khối A nên ngoài 3 môn bắt buộc, thì em dự tính chọn thêm Lý, Hóa để thi. Do nguyện vọng 1 xét tuyển chỉ có 4 nguyện vọng nên tính may, rủi cao hơn mọi năm, vì vậy, em dự kiến thi thêm nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường khác nhau. Em đang lo không biết chọn như thế có đúng không, nên rất cần được tư vấn của các chuyên gia, thầy cô.

Lo lắng về cơ hội việc làm đối với ngành nghề mà mình yêu thích nếu chọn sai chính là tâm trạng chung của các thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ĐH năm nay.

Cũng theo kết quả khảo sát mới đây của Trường THPT Việt Đức, Hà Nội về việc lựa chọn môn thi, trong tổng số 625 em, có 281 em chọn Lý; Địa: 254 em, Hóa: 79 em, Sinh: 8 em; Địa: 10 em. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức lý giải, các em thường chọn môn dễ học, dễ đạt điểm cao, tránh bị điểm liệt. Việc chọn môn thi của các em không hẳn căn cứ vào khối thi đại học, vì thực tế ở trường có rất ít em thi ban C nhưng các em vẫn chọn môn thi Địa, bởi môn dễ kiếm điểm.

 “Đăng ký nhiều môn các em sẽ không có thời gian cho những môn sở trường. Nếu chẳng may có đỗ vào ngành học không phải thế mạnh của mình, mình không yêu thích thì sẽ dẫn đến chán nản, bỏ học gây lãng phí”- Thầy Bình khuyến cáo.

Cuối tháng 3, trường Việt Đức sẽ tổ chức ngày hội hướng nghiệp, mời các trường đại học, sở, doanh nghiệp đến nói chuyện tư vấn nghề nghiệp, dự báo ngành nghề tương lai mà xã hội cần, để khi các em ra trường sẽ có việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp như hàng ngàn cử nhân hiện nay.

“Thấp thỏm” đợi đề thi minh họa

Cấu trúc đề thi ra sao cũng là một trong những vấn đề gây hoang mang, lo lắng cho cả thầy trò ở các trường. Nhiều lãnh đạo nhà trường cho biết, họ rất lúng túng trước những thắc mắc của học sinh về hình thức thi, cấu trúc đề.

Em Nguyễn Quang Tuấn, THPT Việt Đức, thi khối A cho hay, em đang rất lo lắng vì sắp thi rồi mà vẫn chưa biết cấu trúc đề thi như thế nào để có hướng ôn tập sao cho hợp lý. Em thấy đề thi năm trước có một số môn vẫn thiên về “học vẹt” mà chưa có nhiều câu vận dụng kiến thức. Em mong Bộ sớm ban hành Bộ đề minh họa để việc ôn tập có hiệu quả.

Đề thi 2015 gồm 2 phần chiếm tỷ trọng 50  – 50, một phần cơ bản dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, một phần nhằm xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ trọng này cho biết được các chuyên gia, giảng viên đánh giá là chưa hợp lý, cần nâng lên tỷ trọng là 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn nhằm phân loại.

Dù Bộ khẳng định, đề thi được ra theo hướng mở, những câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, đề thi năm 2015 chưa thể hiện được điều này, đặc biệt là đề thi các môn Tự nhiên.

Theo chuyên gia cũng như nhiều hiệu trưởng các trường THPT đề xuất, đề thi năm nay cần điều chỉnh để cân đối giữa việc đánh giá đạt điều kiện tốt nghiệp THPT và phân loại năng lực để chọn những em xứng đáng vào trường đại học. Đây là bài toán khó Bộ cần phải cân nhắc kỹ khi ra đề, làm sao để đạt được phổ điểm thuận lợi cho việc tuyển sinh của các trường đại học.

Cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, trong khi đợi Bộ ban hành đề thi minh họa, để tránh các em bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi trường đã tổ chức thi thử lần 2 theo cấu trúc đề thi năm ngoái. Điều này sẽ giúp học sinh không chỉ được nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng làm những dạng bài kiểu đề mở.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi năm nay chủ yếu vẫn là kiến thức nằm trong chương trình THPT, đa phần nằm ở kiến thức lớp 12. Trong đó, 60% câu hỏi cơ bản nhằm đảm bảo thí sinh đạt mức điểm đủ để xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi nâng dần độ khó để tuyển sinh ĐH, CĐ. Còn về thời gian công bố đề minh họa, Bộ cho biết sẽ công bố đề trong thời gian sắp tới.

Thu Hằng/Báo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *