(kontumtv.vn) – Cách đây 45 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh. Với những người lính trực tiếp tham gia chiến dịch, một thời đấu tranh gian khổ, cận kề với cái chết luôn là kỷ niệm không thể nào quên.
Năm 1971, ông A Tủi (khối phố 5, thị trấn Đăk Tô) tham gia quân giải phóng khi mới 16 tuổi. Từ căn cứ cách mạng Đăk Sao, nay thuộc huyện Tu Mơ Rông, ông cùng với đồng đội Đại đội C180 tiến đánh vào các khu vực phòng thủ của địch, từng bước áp sát mặt trận Đăk Tô – Tân Cảnh. Ông A Tủi kể: “Trong chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, ban đầu chúng tôi là quân địa phương, có kết hợp với quân chủ lực. Từ trước năm giải phóng thì đánh từ ngoài rừng, ngoài vùng giải phóng, hướng từ Đăk Na, Đăk Sao, hướng tây và tây bắc đó. Tiến dần, tiến dần để cho lực lượng chủ lực mở chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh, làm bàn đạp đầu tiên”.
Trong những ngày tháng gian khổ, khốc liệt nhất của chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh, ông A Tủi và đồng đội đã có những trận đánh vào sinh ra tử, là quân tiên phong để phá thế trận phòng thủ của địch, khiến cho địch rút lui dần và co cụm vào khu vực quận Đăk Tô lúc bấy giờ. Ông A Tủi nhớ lại: “Xưa thì nó chưa nghĩ quân cách mạng ta đánh quy mô như vậy đâu, không biết. Mình có thuận lợi là nó không nắm được, mình tạo thời cơ đó là đánh từ từ để quân chủ lực tiếp cận giải phóng năm 1972. Trước khi đánh năm 1972 thì chúng tôi đã đánh 3- 4 căn cứ, ấp chiến lược ở sân bay Phượng Hoàng bây giờ, gọi là Đăk Tô 2 đó. Sau đó đánh ấp Đăk Lung, ấp Kon Đào, ấp Đăk Chu là cuối cùng”.
Chiến tranh luôn đi cùng với mất mát và đau thương. 45 năm đã qua nhưng không thể xóa mờ những ký ức trong ông. “Nhớ nhất là kỷ niệm đánh ở Đăk Chu. Đồng đội chết 8 người, mình không lấy được. Cái trận đó dù chết thì chúng tôi cũng cố gắng, nếu tôi tiến lên 2 – 3 m nữa thì tôi cũng không còn để kể lại đâu, tôi cũng chết”. Người cựu chiến binh già bồi hồi kể.
Cùng là đồng đội thuộc Đại đội C180, ông A Nhoang (khối phố 5, thị trấn Đăk Tô) xúc động nhớ lại: Thắng lợi trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh chính là nhờ vào sự thống nhất, quyết tâm cao của quân địa phương, quân chủ lực và nhân dân trên địa bàn. Thắng lợi này đã mở ra niềm tin vững chắc trong mỗi người lính về một ngày độc lập không xa. Ông A Nhoang kể: “Tiểu đoàn 304, tiểu đoàn địa phương của chúng tôi đã tiếp cận ở Đăk Chu, tiếp cận các mục tiêu. Sau đó kết hợp với xe tăng của Quân đoàn 3 lúc bấy giờ. Quân đoàn 3 đi 2 hướng, hướng thứ nhất là bên đường 18 đánh sân bay, hướng thứ 2 là đi bên tây bắc, qua sông Đăk Tờ Kan, qua quận Đăk Tô đi xuống. Chúng tôi kết hợp bộ đội địa phương, dân quân và bộ đội chủ lực”.
Qua 45 năm, người lính Đăk Tô – Tân Cảnh vô cùng phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển của huyện Đăk Tô ngày nay. Ông A Nhoang nói: “Qua 45 năm tôi thấy cái được lớn nhất là xóa đói giảm nghèo, hai nữa là hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; con cháu được học hành đến nơi đến chốn. Có hòa bình thì nhân dân mới làm ăn được. Tôi thấy rất mừng chỗ đó”.
Thời bình, ông A Tủi và ông A Nhoang đều tích cực lao động sản xuất, phấn đấu sống thật tốt để không phụ lòng những đồng độ đã hy sinh vì tự do, độc lập dân tộc, để mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Tấn Thành