(kontumtv.vn) – Chiến tranh đã lùi xa 41 năm, thế nhưng ký ức của một thời hào hùng vẫn còn sống mãi trong tâm khảm những con người đã một thời sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người cựu chiến binh ấy.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ – Địa chất năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Phan Khắc Long (tổ 17, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) tự nguyện tham gia nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 24, Quân khu 8, chiến đấu ở khu vực miền Tây Nam bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn của ông được tham gia đánh vào căn cứ cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y và tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. 41 năm đã đi qua, nhưng khi nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy, trong ông vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông Phạm Khắc Long kể: “Sau khi đánh cầu Nhị Thiên Đường xong thì cầu chữ Y nó kiên cố quá không đánh được, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 tiếp tục bổ sung vào Tiểu đoàn 4 và Trung đoàn 207 đánh cầu chữ Y. Đến khoảng hơn 9 giờ thì giải phóng được cầu chữ Y. Giải phóng xong cầu chữ Y, bọn tôi được du kích hướng dẫn đường chạy thẳng vào Tổng nha Cảnh sát. Khi vào Tổng nha Cảnh sát, một bộ phận chúng tôi được lệnh kết hợp lại để chiếm Dinh Độc lập, lúc này khoảng 11 giờ trưa. Bọn tôi được lệnh ở lại để bảo vệ Tổng nha Cảnh sát, lúc bấy giờ tư tưởng của quân ta rất thoải mái, phấn khởi, xúc động”.

Thăm gia đình cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
Thăm gia đình cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

Đối với ông Trần Trung Hiếu (thôn Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh) và ông Lê Việt Hùng (thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum), không khí ngày 30/4/1975 vẫn còn ghi dấu mãi trong tâm trí. Là bộ đội địa phương, tham gia chiến đấu ở chiến trường Kon Tum, sau khi Kon Tum được giải phóng, đơn vị của các ông tham gia tiếp quản và bảo vệ thị xã Kon Tum. Mặc dù không tham gia chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng khi nghe tin chiến thắng qua phương tiện radio, các ông rất phấn khởi và tự hào. Ông Trần Trung Hiếu nhớ lại: “Chúng tôi mỗi một bộ đội thì có cái radio đơn vị địa phương cho, nên giải phóng chỗ nào chúng tôi đều biết. Giải phóng Đăk Tô, giải phóng Đà Nẵng chỗ nào cũng đều biết, nhất là ngày 30/4, nghe tin toàn bộ đội đứng dậy hoan hô vỗ tay. Lúc này mình nghĩ lại một số anh em đã hy sinh, không được hưởng ngày hòa bình”.

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc, đi vào lịch sử thế giới về một cuộc chiến chính nghĩa, được thế giới ngưỡng mộ và khâm phục, một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc có bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm. 41 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết đồng lòng của đồng bào các dân tộc, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ và có sự đổi thay nhanh chóng. Ông Ông Lê Việt Hùng cảm nhận: “Đất nước ta đã phát triển rất mạnh mẽ, nhờ mình hội nhập, mở rộng quan hệ với các nước và được quốc tế thừa nhận, cổ vũ, động viên chúng ta xây dựng đất nước theo mơ ước của Bác Hồ, đó là xây dựng đất nước chúng ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Nhiều thứ đã đổi thay sau 41 năm đất nước thống nhất, nhưng có một điều mãi sẽ không bao giờ thay đổi, đó là ký ức về một thời kháng chiến hào hùng và anh dũng. Đây sẽ là hành trang, là niềm tự hào, cổ vũ cho tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *