kontumtv.vn) – Cách đây 50 năm, đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam. Trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, chưa bao giờ có cuộc tiến công nào đồng loạt, đều khắp và rộng lớn như Mậu Thân 1968. Những người lính từng tham gia trận đánh mùa xuân năm ấy nay còn nhớ như in thời khắc lịch sử ác liệt, đầy bi tráng nhưng cũng rất đỗi hào hùng.

Ông Nguyễn Công Quế (tổ dân phố 03, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) kể lại, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội đánh vào sân bay thị xã Kon Tum. Thời điểm này, ông 26 tuổi, là Trung đội phó Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 304, Tỉnh Đội Kon Tum. Ông cho biết: “Tôi ở vị trí trinh sát, dẫn bộ đội từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm phải tuyệt đối an toàn, gỡ mìn, mở đường cho bộ đội đi mà làm sao không gây được một bất ngờ nào về lộ bí mật. Đấy là công tác bước vào trận đánh”.

Các cựu chiến binh thăm Bảo tàng Kon Tum
Các cựu chiến binh thăm Bảo tàng Kon Tum

Đúng giờ G, cuộc tổng tiến công đồng loạt nổ ra ở thị xã Kon Tum. Quân và dân ta chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong thời khắc giao tranh ác liệt, ngoại trừ Biệt khu 24 của địch và cầu Đăk Bla, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh chiếm và làm chủ các khu vực quan trọng như Toà Hành chính, Ty Cảnh sát ngụy, Tiểu khu Kon Tum và Sân bay Kon Tum; tiêu diệt 1.800 tên địch, phá hủy 260 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng, đạn dược. Ông Nguyễn Công Quế đã trực tiếp tham gia trận đánh kể lại: “8 giờ ngày mồng 01, địch bắt đầu phản kích ở sân bay và ở thị xã Kon Tum. Trên này thấy xe tăng và bộ binh từ đường Trần Phú ở Biệt khu 24 đi rẽ vào. Ở đâu có tiếng súng của quân ta là quân chủ lực của địch tràn vào. Lực lượng địch gấp trăm như thế thì anh em mình chiến đấu trong đêm đã hy sinh một số, số còn lại bấy giờ tiếp tục chiến đấu. Đặc biệt trong giai đoạn chiến đấu, người chỉ huy vẫn kiên cường bám trụ, giao từng việc cho các đồng chí là phải chiến đấu đến cùng. Đồng chí Chính trị viên Tỉnh Đội cầm quả lựu đạn đi nhắc nhở mọi người địch tràn lên là nổ quả lựu đạn cuối cùng để mà hy sinh, không được đồng chí nào bỏ chạy”.

Làm nhiệm vụ giao liên, chạy thư hỏa tốc cũng như phục vụ Bộ Chỉ huy Tiền phương Tỉnh ủy Kon Tum trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Lê Tùng Lâm vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử toàn dân, toàn quân háo hức chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công. Mùa xuân năm ấy, ông Lâm vừa bước vào tuổi 16. Ông bồi hồi nhớ lại: “Không khí chuẩn bị cho xuân Mậu Thân có thể nói vô cùng đặc biệt. Ngày tôi làm giao bưu tức là liên lạc, tôi thấy không khí phải nói là dồn dập. Từ cán bộ đến nhân dân, anh em bộ đội địa phương, du kích…, mọi người ai nấy đều khấp khởi, tạo thành một khí thế. Người dân lúc bấy giờ phải nói họ như chiến sĩ. Mọi mệnh lệnh, mọi công việc chuẩn bị cho kháng chiến đều đến bàn tay họ và cũng từ bàn tay họ làm chức năng hậu cần, quyên góp lúa, giã gạo rồi tổ chức mang ra, đưa ra chiến trường”.

Trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại New York năm 1985, nhà sử học người Mỹ Gabrien Kolko đánh giá cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện quan trọng nhất, phức tạp bậc nhất của chiến tranh Việt Nam. Không chỉ buộc phía Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh, đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 còn là đòn chí mạng làm rung chuyển ý thức chính trị và lòng tin của người dân Mỹ về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam. Với những người trực tiếp tham chiến, ký ức về cuộc Tổng tiến công chưa bao giờ phai nhạt. Ông Nguyễn Công Quế  nói: “Một chiến dịch tầm vóc, lấy ít đánh nhiều, đánh vào trung tâm lực lượng mạnh nhất để thử sức. Dù có tổn thất thì đây được một bài học. Một là quyết tâm của cấp trên, hai là quyết tâm của cấp dưới, ba là mệnh lệnh được chấp hành nghiêm. Tôi thấy không thể nói nhiều hơn ý nghĩa lịch sử của trận Mậu Thân này, mà nó đi sâu vào lòng người. Cả miền Nam dậy lửa lên. Tôi nghĩ không ai không nhớ được. Còn bản thân tôi, mỗi lần Tết đến là mỗi lần nhớ đến anh em mình đã ngã xuống sân bay, các khu Tòa Tỉnh trưởng mà tôi đã từng sống và chiến đấu”.

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Mất mát, đau thương, những hy sinh của quân và dân ta trong những năm tháng ác liệt ấy càng khẳng định giá trị độc lập, tự do của ngày hôm nay.

Thu Trang – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *