(kontumtv.vn) – Trong không khí vui tươi của xuân mới Đinh Dậu, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trò chuyện với những cá nhân vinh dự đến với Trường Sa, nơi cực đầu phía đông của đất nước. Ở đó, những người dân và cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm cùng chung tay giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ra thăm Trường Sa
Ra thăm Trường Sa

Tham gia cách mạng, bị địch bắt và tù đày trong kháng chiến chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị tỉnh vui mừng cho biết: Chuyến đi ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào tháng 6/2016 thật sự là niềm vinh dự lớn và là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà. Được ra thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo thật sự đã để lại nhiều cảm xúc đối với nữ cựu tù chính trị này. Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh chia sẻ: “Khi ra đảo Trường Sa tôi thấy xúc động nhất là thời khắc làm lễ truy điệu 64 chiến sỹ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988. Ra thăm thì đoàn có dự lễ truy điệu này. Tất cả đoàn làm lễ và có những vòng hoa, mâm cỗ để thả xuống nước. Một điều tôi thấy xúc động đó là khi những lẵng hoa thả xuống, nó lượn theo mặt nước, hương nó quyện vào nhau bay lên, mình tưởng chừng hương hồn của các liệt sỹ vẫn hướng theo vòng hoa đó”.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Kon Tum đã thành lập 3 đoàn công tác đi thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Các thành viên trong đoàn đều có những kỷ niệm đẹp và niềm vui khó tả sau chuyến đi. Ông U Nhiêu, từng là bộ đội tham gia ở nhiều chiến trường khốc liệt tại mặt trận Tây Nguyên cho biết: Việc tiếp xúc, trò chuyện với những người lính ở hải đảo về những khó khăn trong cuộc sống và chứng kiến nỗ lực vượt qua khó khăn của họ đã mang lại cho ông rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Ông nhớ lại: “Anh em nói chúng con được Nhà nước, nhân dân tin tưởng cử ra đây bảo vệ biển đảo. Chúng con có khó khăn, muôn vàn khó khăn, nhưng chúng con cố gắng, chú cứ yên tâm đi, nhiệm vụ này là của chúng con, các chú đã hoàn thành rồi. Người chiến sỹ cũng có vợ nhưng phải xa gia đình, họ kiên quyết khắc phục khó khăn, bằng giá nào cũng bảo vệ được biển đảo”.

Tình quân dân gắn bó nơi đảo xa
Tình quân dân gắn bó nơi đảo xa

Thông qua chuyến đi này, những tình cảm tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã được gởi đến các chiến sỹ nơi đảo xa, kịp thời động viên các anh chắc tay súng, vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Ông Huỳnh Hảo, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum nói: “Con người ở đây, các chiến sỹ, các lãnh đạo hải quân ngày đêm canh gác 24/ 24 , rất nguyên tắc. Ở trên đảo có 1 sự phối hợp giữa nhân dân, chiến sỹ, lực lượng hải quân, có sự thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ của đồng bào, quân dân như cá với nước, đó là điều tâm đắc. Biển đảo rất đặc biệt, không phải đặc biệt cho riêng ai mà cho cả  đất nước. Chúng ta phải giữ gìn nó”.

Mong muốn Nhà nước và toàn thể người dân quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi biển đảo xa xôi và có thêm nhiều người dân được đến với Trường Sa là suy nghĩ của rất nhiều người sau khi tham gia chuyến đi này. Ông Huỳnh Hảo chia sẻ: “Tôi nghĩ là chúng ta tất cả phải vì Trường Sa, vì biển đảo, phải thương yêu, phải gìn giữ nó, góp sức xây dựng để hình thành những hòn đảo vĩ đại của đất nước Việt Nam. Cũng nhân chuyện này, cũng mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên quan tâm, trước hết là đời sống vật chất của chiến sỹ ở trên hải đạo; đồng thời xây dựng những công trình hiện đại, hoàn thiện hơn, có những điều kiện về chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ tại đây”.

“Qua chuyến đi này tôi thấy rằng, thứ nhất mình ở trong đất liền này khó khăn, nhưng khó khăn mình có thể khắc phục được, có thể giải quyết được. Nhưng anh em chiến sỹ ngoài đó người ta rất khó khăn về nguồn lương thực, thực phẩm, về tinh thần. Tôi nghĩ rằng trước hết Nhà nước ta, tỉnh ta nên tổ chức những chuyến đi như thế này, mở rộng đối tượng ra để cho những người đi biết được hoàn cảnh, chia sẻ với chiến sỹ.  Thứ hai là Nhà nước mình cần có kế hoạch để chiến sỹ được yên tâm hơn. Nhà nước đã có quan tâm rồi, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhiều, nên chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước, nhân dân trong đất liền cần hướng về biển đảo nhiều hơn để góp phần động viên tinh thần anh em ở ngoài đó”. Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh nói.

Ngày nay, trước âm mưu chống phá, xâm chiếm của các thế lực thù địch, mỗi người Việt Nam chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *