(kontumtv.vn) – Chiến thắng lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh vào ngày 24/4/1972 đã để lại rất nhiều kỷ niệm trong mỗi người lính tham gia chiến trận. Đối với vợ chồng cựu chiến binh Lại Hợp Phường và Trần Thị Hạnh, đó là những ký ức không bao giờ phai.
Năm 18 tuổi, ông Lại Hợp Phường (Khối phố 3, thị trấn Đăk Tô) gia nhập Tiểu đoàn 16 thuộc Trung đoàn Pháo binh mặt trận B3. Sau chuyến hành quân vượt dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, đơn vị ông hy sinh gần hết bởi bệnh dịch và bom đạn của quân thù. Năm 1969, ông chuyển đơn vị, là Thiếu úy, Chính trị viên của Đại đội 2 thuộc Tỉnh Đội Kon Tum. Ông Phường nhớ lại: “Giải phóng Đăk Tô này là một đòn chí mạng đối với Thiệu. Đồng thời nó là đòn bẩy rất lớn để tiến lên giải phóng Tây Nguyên. Thiệu tuyên bố là sông Pô Kô chảy ngược thì Cộng sản mới lấy được Căn cứ 42, nhưng thực tế qua 1 tuần thì chúng ta đã đánh chiếm được, giải phóng được Đăk Tô- Tân Cảnh”.
Tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, ông Phường cùng đơn vị hành quân từ huyện Ngọc Hồi, làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiếp cận các mục tiêu của địch tại Đăk Tô – Tân Cảnh. Góp phần quan trọng vào chiến thắng này đó chính là sự nuôi dưỡng, giúp đỡ của người dân trong suốt chiều dài của chiến dịch. Ông Phường kể: “Thế trận hợp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội Quân khu, Tỉnh Đội và dân quân, du kích của địa phương. Trong đó không thể không nói đến là lực lượng của nhân dân, đã đồng tình cùng quân giải phóng để dẫn đến chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Nhân dân có một khí thế hừng hực, vận tải lương thực cho bộ đội chủ lực phía trước. Có những gia đình gạo hết rồi, còn bo sắn cuối cùng cũng đem đến giúp bộ đội để đưa ra ngoài nấu ăn, đảm bảo cho bộ đội no bụng để đánh giặc”.
Gặp nhau trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh, bà Trần Thị Hạnh xúc động nhớ lại: Hình ảnh ông Lại Hợp Phường giúp bà thoát chết khỏi bom mìn của kẻ thù là kỷ niệm mà bà không bao giờ quên. Bà Hạnh kể: “Đáng nhớ nhất là khi mình vào chỗ bộ đội đánh, vào trong đó thì 2 vợ chồng cùng đi, hồi đó chưa biết nhau, chưa yêu nhau đâu. Tôi vào 1 nhà hậu cần của Ngụy xem thử xác ngụy chết ở đó hay là bộ đội. Khi tôi vào thì có quả mìn dưới chân, ổng ở đằng sau, ổng chụp kéo tôi ra ngoài, nhờ đó tôi thoát chết”.
Tình cảm nảy sinh, sau đó cả 2 quyết định tiến đến hôn nhân, gắn bó với nhau đến suốt cuộc đời. Bà Hạnh xúc động: “Cha mẹ bị bắt, em hy sinh hết rồi, tôi mới ngồi khóc. Cùng lính, đồng đội với nhau thì ông cũng động viên, thôi giờ chiến tranh thì biết làm sao, thôi biến đau thương thành hành động. Ông cũng nói đùa, thôi thì theo anh về Bắc chứ còn ai nữa đâu mà về, anh động viên như thế thì cũng xuôi lòng, từ đó để ý nhau rồi lấy nhau”.
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là dịp để vợ chồng ông Phường và bà Hạnh ôn lại những ký ức hào hùng về ngày tháng chiến tranh ác liệt và gian khổ nhất. Ông Phường kể: “Thời kỳ giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh tôi mới 32 tuổi, bây giờ tôi đã 75 rồi. Người đã già đi, tinh thần ngày 24/4 thì làm chúng tôi trẻ lại, chúng tôi cảm thấy có thể nhớ lại những đồng đội, những anh em đã tham gia cùng với mình trước kia. Đến bây giờ tôi cũng thấy mãn nguyện”.
Trong ngôi nhà nhỏ nhưng vô cùng ấm áp, 5 người con của ông Lại Hợp Phường và bà Trần Thị Hạnh đều đã trưởng thành và công tác ổn định ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Hạnh phúc và niềm vui tuổi già đó là được vui cùng con cháu và chứng kiến những đổi thay không ngừng của đất nước trong thời kỳ mới.
Tấn Thành