(kontumtv.vn) – Việc nâng cao chất lượng giáo viên các trường sư phạm đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2018, chỉ vừa tuyển bằng học bạ vào ngành sư phạm đối với học sinh khá, giỏi, nhiều chuyên gia giáo dục đã cho rằng việc này khó khả thi trong điều kiện hiện nay.

Làm gì để thu hút người giỏi?

Trong nhiều năm qua, ngành sư phạm rơi vào tình trạng tuyển sinh chất lượng thấp đến mức báo động. Mùa tuyển sinh vừa qua có những thí sinh chỉ đạt vài điểm cũng đỗ. Trước tình trạng này, để siết chất lượng đào tạo giáo viên, trong dự thảo mới về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm, Bộ đã đưa ra yêu cầu chỉ tuyển bằng học bạ vào sư phạm đối với những học sinh đạt lực học khá, giỏi. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chủ trương này tốt nhưng không khả thi trong tình hình hiện nay khi nhiều trường đang sống lay lắt vì khan hiếm nguồn tuyển.

lam gi de thu hut nguoi gioi cho nganh su pham hinh 1
Miễn học phí và tăng học bổng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sư phạm?

TS. Giáp Văn Dương bày tỏ: “Tôi ủng hộ chủ trương nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, vì đối với nghề giáo thì phải cần có người giỏi, có như vậy mới đào tạo thế hệ người giỏi cho đất nước. Tuy nhiên, với chế độ chính sách như hiện nay và nhìn vào thực trạng tuyển sinh đầu vào điểm thấp như năm trước thì chủ trương này sẽ khó thực hiện nếu không có giải pháp căn cơ…”.

Còn TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Ngành sư phạm từ vài năm nay đã không thu hút được nhiều sinh viên thì lấy đâu ra nguồn để các trường lựa chọn. Mặt khác, hiện nay nhiều em ra trường thất nghiệp, nếu có chạy chọt để xin việc thì mức lương lại thấp. Chủ trương mà không khả thi thì có thể sẽ nảy sinh tiêu cực để đối phó”.

Đây chính là bài toán khó của ngành sư phạm hiện nay. Ông Khuyến đề xuất, thay vì chỉ xét tuyển học sinh có học lực giỏi vào ngành sư phạm thì nên đặt ngưỡng điểm sàn cho ngành sư phạm, tránh việc các trường vơ vét thí sinh. Đồng thời Bộ GD-ĐT cần có quy hoạch của ngành giáo dục, khảo sát về nhu cầu thừa thiếu giáo viên ở từng vùng để từ đó có chính sách hợp lý làm sao đảm bảo khi sinh viên ra trường có việc làm.

Đối với sinh viên nên áp dụng chính sách “cho vay học phí”, nếu ra trường các em làm theo sự phân công của ngành thì mới xóa được nợ học phí. Không nên cấp học phí tràn lan như trước, hiệu quả chưa chắc đã cao, vì thực tế nhiều sinh viên ra trường không làm theo sự phân công…

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, năm 1996 là năm đầu tiên áp dụng việc miễn học phí và tăng học bổng, ngành sư phạm đã lựa chọn được rất nhiều học sinh giỏi. Trước đó, đầu vào không cao như vậy nhưng vẫn thu hút được học sinh khá vì ra trường có việc làm ngay.

 Vì thế, cần có những chính sách thu hút người tài như: Chế độ lúc đang học (miễn học phí, tăng học bổng), chế độ khi tốt nghiệp ra trường (có việc làm ngay) và chế độ khi đi dạy (lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt). Nếu có được các chế độ này thì không cần tiêu chí, người khá giỏi cũng sẽ tự động thi vào sư phạm. Theo GS. Đinh Quang Báo, tiêu chí này rất đột phá nhưng nó nên là hệ quả của một giải pháp khác.

“Không nhất thiết tỉnh thành nào cũng phải có trường sư phạm. Tránh tình trạng các trường sư phạm hoạt động lay lắt, cứ đến mùa tuyển sinh lại cố tuyển bằng mọi giá, thậm chí chỉ vài điểm cũng vào được trường như năm vừa qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo viên trong tương lai” – TS. Giáp Văn Dương.

Mạnh dạn “cắt bỏ” trường kém chất lượng

Có không ít ý kiến cho rằng, các trường sư phạm cần phải “chấp nhận đau thương” trong một vài mùa tuyển sinh. Có thể sẽ tuyển được ít học sinh, không đủ chỉ tiêu nhưng nếu đào tạo đúng sẽ thay đổi được nền giáo dục Việt Nam trong tương lai, giúp giáo dục đi đúng hướng như mong muốn của chúng ta.

 Theo TS. Giáp Văn Dương  cùng với chủ trương này nên triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn: Thứ nhất là cải thiện chế độ lương cho nhà giáo. Nếu chế độ lương tốt so với mặt bằng chung thì ngành sư phạm sẽ thu hút được sinh viên giỏi. Còn nếu nhà giáo không sống được bằng lương thì mọi cải cách sẽ đều thất bại.

Thứ hai, nên mở rộng nguồn tuyển cho các trường sư phạm, như tuyển sinh những người đã tốt nghiệp đại học về trường sư phạm để đào tạo thêm 1-2 năm kỹ năng giảng dạy. Đây cũng là giải pháp được nhiều nước sử dụng để chọn được những người giỏi, người yêu thích công việc giảng dạy vào ngành sư phạm. Ngoài ra, cũng nên mạnh dạn cắt bỏ những trường sư phạm hoạt động không hiệu quả.

TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, để đạt được các tiêu chuẩn của dự thảo, cần có một cuộc khảo sát ở các địa phương về nhu cầu nhân lực, phải quy hoạch lại trường lớp làm thế nào để cung khớp với cầu, sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập ổn định. Hiện nay, Bộ vẫn chưa thực hiện được điều này dù nó nằm trong khả năng…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, tiêu chí học sinh khá, giỏi chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đối với hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia, Bộ cũng sẽ dự kiến đưa ra các mức điểm sàn hợp lý có thể cao hơn nhiều so với các năm trước để đảm bảo chất lượng.

Ông Tuấn cũng lý giải, tiêu chí này được xây dựng căn cứ vào các số liệu từ các tỉnh, thành gửi về. Theo đó, nhu cầu giáo viên của các địa phương năm nay không cao. Bộ sẽ căn cứ vào nhu cầu để đưa ra mức điểm sàn hợp lý nhằm hạn chế việc dư thừa giáo viên./.

Thu Hằng/Báo TNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *