(kontumtv.vn) – Về vụ khai thác trái phép tại rừng phòng hộ Kon Rẫy, sau khi khai thác, lâm tặc đã vận chuyển gỗ ra khỏi rừng như thế nào, có bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hay không? Vấn đề tiếp tục được phóng viên Đài PT-TH Kon Tum làm rõ trong phóng sự sau đây.
Lần theo con đường mòn từ bìa rừng, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã đến được vài vị trí có những cây gỗ lớn bị lâm tặc triệt hạ. Dù cách bìa rừng khoảng chừng 4 đến 5 km, nhưng để đến được những vị trí này, nhóm phóng viên phải mất khá nhiều thời gian, bởi địa hình phần lớn là đồi dốc. Tuy nhiên, không quá khó để đến được những điểm cây rừng bị chặt phá, vì đã có sẵn đường mòn.
Theo phản ánh của người dân, lâm tặc thuê 10 người trong thời gian 10 ngày để san ủi khoảng 5 km đường đất từ rẫy người dân thôn 7, xã Đăk Côi đến bìa rừng. Do lâm tặc đi lại và vận chuyển gỗ thường xuyên, nên đã hình thành nên con đường mòn này. Và đây là con đường duy nhất để vận chuyển gỗ từ những điểm khai thác ra bìa rừng. Đây là rừng phòng hộ, mật độ cây rừng và thảm thực vật khá dày. Để hình thành được đường mòn như thế này chắc chắn phải mất nhiều thời gian. Nếu khai thác nhỏ lẻ, chắc chắn lâm tặc không phải tốn nhiều công sức để làm đường như thế này. Một người dân địa phương cho biết: “Mình làm rẫy ở đây, tầm trong 5 ngày, 10 ngày thấy xe ra thường xuyên, mỗi lần một xe chở khoảng 3 đến 4 khối gỗ”.
Nhiều vị trí cây rừng bị chặt hạ chỉ còn trơ lại gốc. Điều này đồng nghĩa gỗ đã được vận chuyển đi nơi khác. Và theo những gì người dân phản ánh, rõ ràng gỗ đã được vận chuyển ra Tỉnh lộ 677 và đưa đi tiêu thụ.
Bức xúc trước tình hình khai thác rừng trái phép tại rừng phòng hộ Kon Rẫy, người dân địa phương đặt câu hỏi, lực lượng chức năng không biết hay biết mà làm ngơ, hoặc thậm chí tiếp tay để cho lâm tặc hoành hành?
Thanh Tùng – Thanh Hà – Công Luận