(kontumtv.vn) – Cá tầm và cá hồi từng một thời là niềm tự hào, là sản phẩm chủ lực của huyện Kon Plông (Kon Tum). Thế nhưng do nhiều yếu tố, đến nay diện tích nuôi cá tầm và cá hồi ở Kon plông bị thu hẹp. Số cơ sở duy trì nuôi đang gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, khi cơ sở nuôi cá tầm và cá hồi nơi anh Phạm Minh Đức làm việc tại xã Hiếu (Kon Plông) tạm dừng hoạt động, anh Đức quyết định xây dựng cơ sở nuôi cá mới tại thôn Măng Đen (xã Đăk Long, Kôn Plông) với diện tích hơn 1,7 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá tầm là 200 m2. Việc nuôi cá tầm diễn ra thuận lợi, nhưng anh Đức lại gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Đàn cá thương phẩm 350 con, mỗi tuần anh Đức chỉ bán từ 10-20 con, với giá 260.000đ/kg. Do không xuất được cá, nên hàng ngày anh Đức phải chi phí từ 180.000đ – 200.000đ để mua thức ăn duy trì đàn cá  thương phẩm. Anh Đức nói: “Cá nuôi ở đây chúng tôi tạm gọi là dòng cá sạch, giá cả cao. So với cá Trung Quốc thì hiện tại chúng tôi chênh lệch tới 50% giá, nên thị trường tiêu thụ tại Măng Đen rất khó khăn về giá cả, nhà nuôi phải tự kiếm thị trường cho sản phẩm của mình”.

Nuôi cá tầm, cá hồi ở Kon Plông đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm
Nuôi cá tầm, cá hồi ở Kon Plông đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm

Năm 2011, HĐND huyện Kon Plông phê duyệt đề án phát triển mô hình hợp tác xã nuôi cá tầm, cá hồi trên địa bàn. Theo đó, có 4 cơ sở nuôi được hình thành tại các xã Măng Cành, Đăk Long, xã Hiếu và xã Pờ Ê. Thông qua sự tiếp sức của huyện, cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi tại Kon Plông đã nắm bắt được công nghệ từ sản xuất giống đến nuôi cá thương phẩm. Nhờ vậy, đến năm 2013 diện tích nuôi cá tầm, cá hồi tại Kon Plông đạt gần 1.600 m2 với sản lượng khoảng 3 tấn. Tuy nhiên, do khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, nên diện tích nuôi cá tầm, cá hồi tại Kon Plông dần giảm. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 2 cơ sở nuôi với diện tích khoảng 400 m2. Anh Trịnh Xuân Quý, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông  cho biết: “Tuy khó khăn về mặt tiêu thụ, nhưng huyện Kon plong vẫn xác định con cá tầm, cá hồi là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện. Năm 2016, huyện liên kết với trường Đại học Quốc tế TP.HCM để đưa cá tầm, cá hồi có thương hiệu trên thương trường”.

Huyện Kon Plông là một trong số ít địa phương của Việt Nam đáp ứng được điều kiện tự nhiên để loại cá tầm và cá hồi sinh sống. Phát huy lợi thế này, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng mô hình và khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại, huyện Kon Plông rất cần sự tiếp sức của các cơ quan cấp tỉnh trong việc giải quyết đầu ra của sản phẩm. Anh Trịnh Xuân Quý nói: “Là cơ quan tham mưu chính cho huyện, cũng mong rằng các cấp, ngành có những động thái quảng bá, kết nối để con cá tầm huyện Kon Plông có chỗ đứng trong các siêu thị, nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh bạn”.

Là cá đặc sản của vùng nước lạnh, thịt cá tầm, cá hồi là món ăn ngon, bổ dưỡng, dễ chế biến. Đặc biệt, trứng của hai loại cá này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Để duy trì và phát triển mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở nuôi, rất cần có sự quan tâm giúp đỡ để mô hình này không bị phá sản tại huyện Kon Plông.

                                                                                                Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *