(kontumtv.vn) – Với kiến thức tiếp thu từ giảng đường đại học và niềm đam mê chế tạo, anh Lê Văn Sinh (tổ 3, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) đã chế tạo thành công lò đốt than sinh học bằng phương pháp yếm khí. Với mô hình này, anh đã đạt giải 3 tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kon Tum lần thứ 6, năm 2016. Anh được tỉnh tuyên dương là gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh trên lĩnh vực nguyên cứu khoa học.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghệ An, gắn bó với sản xuất nông nghiệp, anh Lê Văn Sinh nhận thấy các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp vứt bỏ rất lãng phí và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, anh luôn suy nghĩ làm cách nào để các phế phẩm trở nên có ích cho cho sản xuất nông nghiệp. Anh bắt đầu mày mò nghiên cứu để làm mô hình lò đốt than sinh học khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2013, anh bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành lò đốt than sinh học bằng phương pháp yếm khí. Anh Sinh chia sẻ: “ Tôi nghiên cứu từ thời sinh viên, sau 2 lần thất bại, lò này tôi làm lần thứ 3 mới thành công”.

Anh Lê Văn Sinh là gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Kon Tum
Anh Lê Văn Sinh là gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Kon Tum  lĩnh vực nghiên cứu khoa học

Lò đốt than sinh học bằng phương pháp yếm khí do anh Sinh chế tạo có thể dùng để đốt vỏ trấu, lõi ngô, vỏ cà phê. Khi đưa các phế phẩm vào lò sẽ được nung ở nhiệt độ 400 đến 500 độ C. Trong điều kiện thiếu oxy và áp suất lớn, cacbon sinh khối không bị cháy toàn bộ mà ở dạng giữa khoáng và hữu cơ. Khói tỏa ra từ lò đốt cũng không phải là CO2 mà chỉ là hơi nước, nên không gây hại tới môi trường. Sau khoảng 2 giờ, nguồn sinh khối này sẽ tự chuyển hóa thành than sinh học.

Than sinh học khi bón vào đồng ruộng, trong điều kiện thời tiết nhiệt đới ẩm Việt Nam, có tốc độ phân hủy chậm, sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa đất, chống bạc màu, giảm độ chua, tăng hiệu quả sử dụng phân lên gấp 2 đến 3 lần. Gần như toàn bộ thành phần chất dinh dưỡng trong nguyên liệu sẽ giúp vi sinh vật trong đất phát triển, thúc đẩy quá trình cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng. Do đó, than sinh học đem đến những lợi ích cho ngành nông nghiệp. Điều quan trọng hơn là tận dụng được phế thải nông nghiệp tại địa phương. Ông Đỗ Ngọc Thọ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum đánh giá: “Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, chúng tôi có nhận giải pháp lò đốt than sinh học của anh Sinh. Qua quá trình nghiên cứu và chấm thì, hội đồng giám khảo đã đánh giá rằng đây là một sáng tạo của tác giả, đặc biệt là nó thân thiện với môi trường, có thể tận dụng được các phế phẩm trong quá trình sản xuất, nên hội đồng đã đánh giá cao và chấm cho giải 3. Các chuyên gia kỹ thuật của Liên hiệp hội và của tỉnh đều đánh giá cao sản phẩm này, cho rằng sản phẩm rất có giá trị và có khả năng phát triển tiếp”.

Ngoài việc nghiên cứu và chế tạo thành công lò đốt than sinh học bằng phương pháp yếm khí, anh Lê Văn Sinh còn chế tạo thành công máy rây giá thể để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại anh Sinh đang ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu với mong muốn giúp ích cho sản xuất nông nghiệp. Anh Sinh nói: “Song song với nghiên cứu lò đốt than sinh học này thì tôi cũng nghiên cứu máy rây xơ dừa và đất mùn. Lên vùng đất Tây Nguyên này, thấy bà con nông dân cạo vỏ bời lời rất vất vả. Hiện tại tôi đang ấp ủ và nghiên cứu máy bóc tách vỏ bời lời. Khi sản xuất ra, máy làm việc 1 ngày bằng từ 20 đến 30 công nhân làm việc”.

Với niềm đam mê chế tạo và thành công với mô hình lò đốt than sinh học bằng phương pháp yếm khí, năm 2016 anh Lê Văn Sinh đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen là gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh trên lĩnh vực nguyên cứu khoa học.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *