(kontumtv.vn) – Diễn ra ở nhà rông Kon Klo, thành phố Kon Tum, Liên hoan tạc tượng dân gian được khai mạc vào sáng 14/12 và đã thu hút đông đảo du khách, người dân Kon Tum đến tham quan, thưởng lãm.

Nằm trong các hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum, Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian năm 2018 thu hút 28 nghệ nhân của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 18 nghệ nhân đến từ 9 huyện, thành phố. Tín hiệu vui là qua mỗi lần liên hoan, số nghệ nhân trẻ tham gia ngày một nhiều hơn. Tiêu biểu như nghệ nhân A Ia (thôn Kon Du, Xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Năm nay 28 tuổi nhưng A Ia đã tham gia đủ 4 lần liên hoan tạc tượng do tỉnh Kon Tum tổ chức. A Ia cho biết, dân tộc Xê Đăng nhánh Mơ Nâm chỉ tạc tượng khi gieo sạ lúa và tượng được dùng để trang trí trên rẫy, được dựng ở đầu làng để xua đuổi tà ma. Nghệ nhân A Ia nói: “Ở trong làng thanh niên cũng biết tạc tượng rồi, để dạy cho mấy đứa nhỏ học hỏi theo để sau này tham gia liên hoan”.

Các nghệ nhân thi tài tạc tượng gỗ dân gian
Các nghệ nhân so tài tạc tượng gỗ dân gian

Điều làm nên sự độc đáo trong nghệ thuật tạc tượng dân gian của các dân tộc ít người tại Kon Tum chính là tính không khuôn mẫu và không trùng lặp. Toàn bộ kiến thức được truyền từ đời trước sang đời sau và lưu giữ trong từng nghệ nhân. Những người may mắn được trao truyền và bằng tình cảm của riêng mình, họ tiếp tục sáng tạo thêm. Vì thế, mỗi bức tượng là mỗi cảm xúc, mỗi dáng vẻ và không có cái thứ hai trùng lặp. Phần lớn tượng được tạc dựa trên bố cục hình trụ, thẳng đứng, không chú trọng vào chi tiết mà chỉ chú trọng đến mảng khối, nguyên sơ, đặc biệt là mang tính thô ráp khá cao. Đây cũng chính là điều làm nên sự khác biệt, tạo nên sự độc đáo và cuốn hút lạ thường. Vì vậy, những du khách khi đặt chân đến nhà rông Kon Klo trong ngày 14/12 đều phải dừng chân khá lâu, chụp rất nhiều ảnh lưu niệm bởi sức thu hút của những nghệ nhân tạc tượng. Ông Koenraad  Seys, đến từ Vương Quốc Bỉ cảm nhận: “Tôi quá may mắn khi có mặt ở đây và vào thời điểm này, quá tuyệt vời vì những gì diễn ra ở đây. Lúc đầu tôi nghĩ họ là những người chuyên nghiệp, khi các bạn giải thích đó là những người dân lao động tự học để làm tượng tôi thấy kính trọng. Quá hay, họ làm mà không có thiết kế, dụng cụ thì thô sơ và tượng lại rất đẹp”.

Liên hoan tạc tượng dân gian tỉnh Kon Tum lần thứ 4 còn là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Trong đó có nghệ nhân A Nghiêu (dân tộc Giẻ Triêng, sinh năm 1959 ở xã Phước Sơn, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).  Ông cho biết đây là lần đầu tiên ông tham gia đục tượng gỗ: “Quảng Nam mình chưa biết, bây giờ mới đi giao lưu học hỏi tỉnh Kon Tum đục cái tượng này nè, để làm quen, học cho biết sau này mình làm lại”.

Nhìn thoáng qua, nhiều người lầm tưởng tượng gỗ dân gian chỉ đơn thuần là tượng nhà mồ và tất cả đều giống nhau. Thế nhưng khi được tiếp cận với nghệ thuật tạc tượng của từng dân tộc, từng loại tượng khác nhau chúng ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt qua hình tượng, qua hoa văn, họa tiết và nghệ thuật điêu khắc  của từng dân tộc. Có thể nói, hệ thống tượng gỗ của các dân tộc ở tỉnh Kon Tum nói riêng, và Tây Nguyên nói chung là một công trình nghệ thuật quý giá, là hiện thân tiêu biểu, nổi bật nhất của truyền thống điêu khắc gỗ dân gian. Vì vậy, Liên hoan tạc tượng dân gian thu hút khá đông du khách đến tham quan, nghiên cứu là điều dễ hiểu.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *