Lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, khó cán đích vào năm 2018
04.08.2016(kontumtv.vn) – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam- Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết vẫn chưa thực sự hài lòng với mức tăng lương này.
Tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 vừa được các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất ở mức 7,3% để trình Chính phủ xem xét.
Theo đó, lương tối thiểu cho 4 vùng trong năm tới sẽ tăng từ 180 đến 250 nghìn đồng/người/tháng so với năm nay.
Kết quả này được đưa ra đã tính đến phương án bù trượt giá sinh hoạt dự kiến khoảng 5% để có thể cải thiện một phần tiền lương người lao động mà vẫn đảm bảo yếu tố phát triển, cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam- Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết vẫn chưa thực sự hài lòng với mức tăng lương này.
PV: Trước hết xin ông cho biết quan điểm của mình về mức tăng 7,3% lương tối thiểu vùng năm 2017?
Ông Mai Đức Chính: Đứng ở góc độ đại diện cho phía người lao động thì chúng tôi cũng chưa thực sự hài lòng với mức tăng 7,3% mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất. Lúc đầu, Tổng Liên đoàn lao động đưa ra mức tăng phải là 11,11% – mức tuyệt đối bằng mức của năm 2016. Tuy nhiên, qua phân tích chúng tôi cũng thấy rằng, với tình hình kinh tế xã hội năm nay thì các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là các ngành dệt may, da giầy. Chính vì vậy, Tổng Liên đoàn lao động cũng thấy rằng cần phải chia sẻ và chúng tôi đã hạ xuống mức 10% (tức là tăng từ 200 đến 350 nghìn đồng/tháng). Sau đó, đại diện phía người sử dụng lao động cũng đưa từ mức 4 đến 5% lên 6,5% và cuối cùng Hội đồng đưa ra một mức bình quân chung, với 7,3% để đảm bảo có tiếng nói chung. Còn quan điểm chúng tôi muốn ít nhất lương tối thiểu vùng năm 2017 cũng phải tăng ở mức 8,5%.
PV: Vậy ông nghĩ người lao động sẽ phản ứng như thế nào với mức tăng lương này?
Ông Mai Đức Chính: Việc này cũng phải nói cho người lao động hiểu rõ là: Trong tỷ lệ thì ít nhất năm nay thấy rằng khoảng CPI dự kiến là dưới 5% và ở mức tăng lương 7,3% đã là ở trên mức trượt giá rồi. Chúng tôi cộng thêm mức do tăng năng suất lao động và do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thêm ở mức khoảng 2,3% nữa thì tôi nghĩ công nhân có thể chấp nhận và chia sẻ với doanh nghiệp được.
PV: Quay trở lại phía người sử dụng lao động, họ cho rằng với mức tăng lương 7,3% sẽ vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
Ông Mai Đức Chính: Tôi nghĩ đấy là phía họ đưa ra thôi, chứ còn đứng ở góc độ người lao động tôi thấy công nhân quá khổ. Chúng tôi đã đi điều tra tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động cho thấy có tới 75,5% công nhân muốn tăng ca, trong đó đặc biệt công nhân vùng 1 có tới 86% muốn tăng ca, bởi tiền lương, thu nhập quá thấp, họ không đủ sống và buộc họ phải tăng ca. Ngoài ra, so với năm ngoái thì năm nay 14% công nhân nói là họ không đủ sống (tỷ lệ này có giảm so với năm ngoái). Còn lại khoảng 33% người lao động họ nói rằng là họ phải sống kham khổ, sống rất khó khăn. Còn khoảng trên 33% nữa thì nói là mức lương hiện nay có thể tạm thời được và chỉ có 14% có tích lũy, nhưng tích lũy không nhiều. Rõ ràng, như vậy chúng ta thấy rằng từ không đủ sống đến sống kham khổ đã chiếm tới 85%, còn 15% có tích lũy thì chúng tôi cho rằng người lao động cũng khó khăn.
PV: Có ý kiến cho rằng, do phải chịu thêm gánh nặng tăng lương nên doanh nghiệp sẽ cắt giảm các phụ cấp, trợ cấp của người lao động, vậy là cơ quan đại diện cho người lao động – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ làm gì để người lao động không thiệt thòi, thưa ông?
Ông Mai Đức Chính: Tôi nghĩ chắc chắn là cũng giống như Nghị định 122, Chính phủ bao giờ cũng có một quy định là khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì các doanh nghiệp không được cắt các khoản tiền phụ cấp hoặc tiền lương. Do đó chúng tôi nghĩ trách nhiệm của tổ chức công đoàn là cùng với các cơ quan chức năng là phải tổ chức giám sát việc thực hiện. Đây mới là đề xuất của hội đồng tiền lương năm 2017.
Sau đây, Hội đồng tiền lương sẽ phải báo cáo với Chính phủ và Chính phủ quyết định và chắc chắn sau này sẽ có một Nghị định yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ vững không được cắt khoản phụ và tổ chức công đoàn cùng với cơ quan chức năng phải thực hiện việc giám sát đảm bảo tiền lương tối thiểu của người lao động hiện nay tăng đảm bảo theo thực tế và theo quy định của pháp luật
PV: Vậy theo ông, với mức tăng lương 7,3% cho năm 2017, lộ trình lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động có cán đích vào năm 2018?
Ông Mai Đức Chính: Đáng lẽ Điều 91 của Bộ Luật lao động phải thực hiện ngay từ 1/5/2013. Tức là tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp khó khăn thì Tổng Liên đoàn cũng chia sẻ, có một lộ trình nhưng không phải lộ trình vô hạn mà Tổng Liên đoàn xác định lộ trình đó ít nhất cũng phải là năm 2018.
Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định 1/1/2018 thì tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, đó cũng phù hợp với lộ trình của Tổng Liên đoàn lao động đưa ra. Thế nhưng bây giờ cũng rất khó là Chính phủ không giám khẳng định là bao giờ kết thúc lộ trình mà lại nói là tùy theo tình hình kinh tế xã hội thì đấy là quan điểm của Chính phủ còn quan điểm của Tổng Liên đoàn yêu cầu lộ trình phải có một hạn định nhất định chứ không phải là lộ trình vô hạn được.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.