(kontumtv.vn) – Cứ đến dịp cuối năm, chủ đề về hoa mai vàng chưng Tết, đón xuân được mọi người đặc biệt quan tâm. Hoa mai được xem là hiện thân của nàng Xuân. Đẹp và ý nghĩa là thế nhưng mấy ai thấu hiểu được việc chăm bón, vun trồng để cây mai ra hoa, đơm lộc đúng Tết là cả một sự kỳ công của người trồng mai. Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã có dịp tham quan và tìm hiểu về nghề trồng mai ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum.

Cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, xã Vinh Quang được nhiều người biết đến với cái tên rất đỗi quen thuộc là “làng mai”. Không phải ngẫu nhiên mà có tên gọi đó. Theo một số người già ở đây kể lại, nơi đây ngày xưa có rất nhiều gốc mai rừng cổ thụ, có cây lên đến vài trăm tuổi. Chính vì được thiên nhiên ban tặng nhiều gốc mai cổ thụ nên không ít người đã đến đây để sưu tầm, tìm hiểu và mua về làm cảnh, mua về chưng ngày tết.

Nguồn gốc của mai là cây rừng nên người trồng và chơi mai lâu năm ở đây đều không biết cây mai có ở Vinh Quang từ lúc nào. Ông Trần Nguyễn Đình Hoàng thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, Tp Kon Tum cho biết, loài cây này đã gắn bó với người dân xã Vinh Quang từ lúc khai đất lập làng. Theo năm tháng cây mai đã gắn liền với hình ảnh ngôi nhà mái ngói 3 gian ở các thôn, làng và đặc biệt ý nghĩa hơn là gắn liền với cái tết đoàn viên của gia đình mỗi độ xuân về: “Cây mai theo nguồn gốc chú biết nó là cây rừng, ngày xưa người ta làm rừng làm rẫy, phát nhà có để cây mai lại, và cây mai nở đúng dịp mùa xuân, từ cái đó nên người ta giữ, bảo quản nó và lưu truyền cho tới bây giờ. Cây mai 5 cánh, đối với người Việt Nam mình tượng trưng cho ngôi sao 5 cánh nó vươn lên, cây mai 5 cánh có sắc hoa vàng nên dân tộc mình rất thích hoa mai vàng”.

SAC HOA NGAY TET

Qua nhiều biến cố của thời gian và ảnh hưởng của thời tiết, những gốc mai cổ thụ ngày nào ở xã Vinh Quang giờ đây đã thưa dần, một phần người dân thấy người mua được giá đã bán cả cây, một phần do sâu bệnh cây chết. Khi những gốc mai cổ thụ trên địa bàn thưa dần cũng là lúc nhiều người nhận ra giá trị của cây mai, nhận ra những giá trị mà cha ông đã gây dựng và để lại.

Vào những ngày cuối năm, tìm về xã Vinh Quang, được chính quyền địa phương giới thiệu gia đình ông Thái Đình Vân (thôn Phương Quý 2) còn giữ được những gốc mai cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm tuổi. Ngoài ra, vườn nhà ông có đến 80 cây mai cảnh. Trong đó có hơn 15 cây mai có tuổi đời từ 50 – 80 tuổi, số còn lại cũng vài chục năm tuổi. Điều đáng nói là phần lớn những cây mai này là mai rừng nên việc chăm sóc cũng không cầu kỳ như những cây mai có gốc gác từ đồng bằng do cha ông đưa lên. Ông Thái Đình Vân (thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang) cho biết: “Cây mai cổ thụ khi nó đã lớn rồi thì mình không phải chăm sóc nữa, còn những cây mai nhỏ mình phải chăm sóc cho nó, đúng ra lúc lớn rồi thì mình không phải chăm sóc cho nó nữa vì nó là mai tự nhiên mà. Còn loại mai trồng trong chậu nó khác với mai tự nhiên rừng, mai rừng tự nhiên nó có 5 cánh, còn mai chậu người ta muốn ghép bao nhiêu cánh thì người ta ghép”.

Ở thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang có ông Trần Nguyễn Đình Hoàng nổi tiếng vì có hơn 1.800 gốc mai đủ độ tuổi. Tất cả số mai này được ông trồng trên diện tích hơn 2.000m². Ông Hoàng đã gắn bó với nghề trồng mai 30 năm qua nên ông thuộc tính nết của từng cây mai, việc chăm sóc chúng không hề dễ. Bởi vốn dĩ cây mai rất dễ bị loài sâu đục thân tấn công, chính vì thế ông luôn giám sát từng gốc mai mỗi ngày, tỉ mỉ chăm sóc, bón phân để cho mai nở hoa đúng dịp tết về.

Kinh nghiệm của ông Hoàng trồng và chăm sóc mai đúng kỹ thuật là phải phân thành 3 giai đoạn trong năm. Giai đoan thứ nhất, tức là đầu mùa mưa phải tiến hành phun thuốc, bón phân; giai đoạn thứ 2 là vào khoảng tháng 11 phải banh bồn nhằm hãm sự phát triển của cây mai, tránh trường hợp cây bung hoa sớm; giai đoạn thứ 3 từ đầu tháng Chạp sẽ tiến hành phun kích thích, bón phân, tưới nước để cho cây mai được sung và nở đẹp: “Giai đoạn quyết định cuối cùng là giai đoạn đầu tháng chạp âm lịch, giai đoạn đó quyết định cây mai có đẹp hay không, mình phải nắm được kỹ thuật ấy mới cho ra cây mai đẹp cho khách hàng yêu thích. Nói chung về kinh tế là tôi làm ăn thu kinh tế ở bên ngoài, còn có đất trong vườn là tôi chọn cây mai thứ nhất là thú vui tao nhã, thứ 2 là sắc xuân, thứ 3 là bạn bè chiến hữu ai thích là cho, tặng để lấy cái lộc đầu năm”.

Từ chỗ chơi mai như một thú vui, dần dà ông Trần Nguyễn Đình Hoàng đã phát triển, mở rộng quy mô trồng cây mai, và chính nó đã đóng góp một phần đáng kể vào kinh tế gia đình ông hàng năm: “Nói chung cây mai là vô giá, ví dụ như người thích 5 – 10 triệu, 2 – 3 chục triệu còn đối với người không thích thì có 1 triệu người ta cũng không mua. Nhưng bây giờ làm ăn kinh tế phát triển lên đến dịp mùa xuân khấm khá hơn nên cây mai kinh tế cao hơn, như chú đây bán vài cây bỏ tiền trong túi lì xì cho cháu là thoải mái rồi. Mai đây còn nhỏ nên chú chưa bán bao nhiêu nếu bán thì cũng vài trăm triệu nhưng chủ yếu chú để nuôi trụ chứ về kinh tế mà bán thì chưa bán bao nhiêu”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết hầu hết các hộ chuyên về trồng cây mai có thu nhập khá, góp phần tăng hộ khá của địa phương nhiều năm qua: “Vấn đề cải thiện đời sống kinh tế mang lại đối với những hộ trồng mai, có sự thay đổi. Vì như ban đầu nói, giá trị cây mai sau khi trưởng thành, đẹp thì giá trị rất cao. Từ vấn đề đó nhiều hộ gia đình trồng mai, chính quyền theo dõi những hộ này có cuộc sống kinh tế khá giả hơn so với trước đây rất nhiều”.

Có dịp về xã Vinh Quang những ngày cuối năm, đi khắp các thôn, làng dễ dàng tháy những cây mai vàng bung hoa, khoe sắc. Màu vàng của mai dưới nắng xuân càng thêm rực rỡ, mang đến niềm hân hoan cho mọi người, mọi nhà. Mỗi một bông hoa là kết tinh bao công sức lao động của người trồng hoa, và cả những kinh nghiệm được đúc kết lâu năm. Tết về có chậu mai cảnh, cành mai vàng chưng trong nhà càng làm cho không khí xuân thêm phần tươi vui, ấm áp. Cũng không biết tự lúc nào chơi mai là thú vui tao nhã của nhiều gia đình Việt Nam, mai còn là hiện thân của nàng xuân mỗi dịp tết về.

Hoành Lợi – Thành Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *