(kontumtv.vn) – Có ý kiến cho rằng Hiến pháp xác định Đảng chịu sự giám sát nhân dân, nên Đảng chịu sự giám sát của MTTQ sẽ là phương thức hiệu quả nhất.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh từng có ý kiến cho rằng chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc không chỉ tập trung vào các văn bản, chủ trương của Nhà nước mà cần tập trung vào cả các văn kiện của Đảng và cơ quan Đảng.

Theo đại biểu Võ Thị Dung, Đoàn Chủ tịch đã có phản hồi cho rằng việc Hiến định và thể chế từ trước đến nay chưa có những văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến mối quan hệ cũng như quy định phản biện đối với tổ chức Đảng. Vì vậy trong dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) lần này chỉ đề cập đến việc giám sát, phản biện đối với cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức chứ không đề cập đến tổ chức Đảng và đảng viên.

Tuy nhiên theo quan điểm của đại biểu Võ Thị Dung, Điều 4 của Hiến pháp quy định tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ luật pháp. Do vậy đây là cơ sở để đưa vào luật những nội dung cụ thể nhằm xác định mối quan hệ và vai trò của Mặt trận giám sát cán bộ đảng viên.

Đại biểu Võ Thị Dung đề nghị nên xem xét vấn đề này bởi hiện nay nhiều cán bộ công chức cũng là đảng viên trong khi mối quan hệ của Mặt trận và vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị với tổ chức Đảng vẫn chưa được thể chế trong luật.

Thảo luận trên hội trường về Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) việc Mặt trận có được góp ý phản biện các văn kiện của Đảng và giám sát cơ quan Đảng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều…

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) thảo luận về Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) (Ảnh: Quang Trung)

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiến pháp đã xác định Đảng chịu sự giám sát nhân dân, cho nên khi Đảng chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc – tổ chức liên minh tự nguyện của nhân dân sẽ là phương thức hiệu quả nhất. Đại biểu đề nghị luật cần quy định Mặt trận giám sát Đảng và đảng viên, phản biện cả chính sách của Đảng và không chỉ giới hạn với dự thảo mà cả khi chính sách đã ban hành nhưng còn bất cập. Điều này sẽ nâng uy tín của Đảng, của Nhà nước. Bởi suy cho cùng Đảng cũng phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), việc Mặt trận giám sát tham gia xây dựng Đảng là cần thiết và đề nghị bổ sung nội dung này vào luật để quy định hướng dẫn việc giám sát Đảng phù hợp, khoa học và mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), đại biểu Ya Duck, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng cho rằng, luật này không nên quy định giám sát của Mặt trận với tổ chức Đảng, văn kiện của Đảng mà chỉ nên giám sát với cơ quan Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Việc phản biện đường lối của Đảng, giám sát Đảng nên để các văn bản của Đảng quy định./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *