(kontumtv.vn) – Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Hội Nông dân huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình dân vận trong giáo dục pháp luật, giúp đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Hai tuần một lần, Hội Nông dân huyện Kon Plông lại tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật tại các thôn, làng. Bằng những câu từ ngắn gọn, dễ hiểu, cán bộ Hội đã giúp bà con hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh A Niu ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho biết, từ ngày được cán bộ Hội Nông dân huyện tuyên truyền, ý thức, trách nhiệm của mọi người đối với việc giữ gìn an ninh, trật tự thôn, làng từng bước được nâng cao. Bản thân anh cũng tích cực vận động bà con tuân thủ Luật giao thông đường bộ và chung tay xây dựng kinh tế. Anh A Niu nói: “Trật tự an toàn giao thông trong thôn, tôi cũng tuyên truyền cho bà con là xe độ chế này nọ gây mất trật tự an ninh trong thôn, nên trong quá trình tuyên truyền, bà con cũng thống nhất, bớt cái xe độ chế, rồi đi đêm đỡ ồn ào cho bà con ngủ, đỡ mất trật tự trong thôn”.

Tuyên truyền pháp luật tại khu dân cư
Tuyên truyền pháp luật tại khu dân cư

Mô hình dân vận trong giáo dục pháp luật được Hội Nông dân huyện Kon Plông xây dựng, triển khai vào đầu năm 2018. Đến nay, đã có hơn 60 thành viên là cán bộ, hội viên Hội Nông dân tham gia. Mô hình không chỉ giúp phát huy vai trò, năng lực giám sát của cộng đồng đối với việc chấp hành pháp luật của người dân mà còn từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Ông Võ Đình Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông nói: “Tuyên truyền pháp luật, đa số bà con mình cũng nhận thức được. Ví dụ như hồi xưa trên địa bàn xã Măng Cành nói riêng, các xã khác nói chung, cũng thấy bà con nông dân mình thường thường đi xe máy hay cứ chất ba, chất bốn và thường mũ bảo hiểm không đội, rồi uống rượu bia say cũng hay tham gia giao thông. Nhưng từ khi thành lập câu lạc bộ, lồng ghép mình tuyên truyền thì đa số bà con nhận thức rất cao, đi xe máy không có 3 người nữa, thường đi 2 người với lại đội mũ bảo hiểm đàng hoàng, thì cũng mừng, thấy công tác tuyên truyền cũng đạt”.

Để nói dân tin, dân nghe, dân hiểu, Hội Nông dân các cấp của huyện tăng cường phối hợp với già làng, người có uy tín trong thôn, làng đến từng hộ dân, thông tin về pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời tích cực vận động bà con thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động để tăng năng suất cây trồng, từng bước vươn lên làm giàu. Già làng A Nuông ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho hay: “Là già làng, bản thân tôi tuyên truyền cho nhân dân ăn sạch, ở sạch, xóm làng phải sạch sẽ thì mới đảm bảo được vệ sinh. Riêng sinh con thì trước đây chưa có kế hoạch, chưa có ai tuyên truyền thì sinh nhiều. Bữa nay nhiều thanh niên trẻ hiểu hết cái đó, có kế hoạch”.

Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Hội Nông dân huyện Kon Plông chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua hơn 1 năm triển khai mô hình dân vận, hoạt động của 89 tổ hòa giải ở các thôn, làng đã được duy trì; 33/41 vụ tranh chấp đất đai, giống cây trồng…được hòa giải thành công, giúp bà con yên tâm lao động, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *