(kontumtv.vn) – Để tận dụng lợi thế mặt nước, đầu năm 2016, UBND huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã trích nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đăk Pne 2AB tại địa bàn xã Đăk Pne. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của huyện trong lĩnh vực thủy sản,  nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế  của đồng bào địa phương.

Không chỉ là địa bàn tập trung nhiều sông, suối, xã Đăk Pne còn có 2 lòng hồ thủy điện Đăk Pne 2AB và Đăk Long, rất thuận lợi để nuôi cá lồng. Vì vậy, UBND huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đăk PNe 2AB tại thôn 1, xã Đăk PNe, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Ông Nay Y  Khánh, Phó Trưởng Phòng NN &PT NT huyện Kon Rẫy nói: “Mục đích của chương trình này nhằm giúp cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Mô hình triển khai đầu tiên của huyện cho đồng bào DTTS để chuyển giao khoa học kỹ thuật, sau này nhân dân có thể đầu tư nhân rộng mô hình này lên. Hiện nay, trên địa bàn Kon Rẫy có nhiều sông, suối có khả năng nuôi cá lồng như sông Đăk Pne, Đăk A Kôi, Đăk Snghé, là điều kiện rất thuận lợi cho nhân dân nuôi cá lồng”.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đăk Pne 2AB
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Đăk Pne 

Phòng NN&PTNT huyện đã thực hiện thí điểm đối với 4 hộ, gồm hộ ông A Nhà, ông A Bláo, ông ARõh và ông Kim Văn Yến, với 4 lồng, tổng diện tích 120 m2. Giống cá nuôi chủ yếu là diêu hồng và rô phi đơn tính. Ông Nay Y  Khánh cho biết; “Huyện đã tổ chức tập huấn cho người dân về cách cho ăn, cách phòng trừ bệnh và cách chăm sóc. Các hộ đã triển khai đúng theo kỹ thuật, cho nên lượng cá chết rất ít so với dự kiến ban đầu. Dòng chảy yếu, chúng tôi thường xuyên hướng dẫn cho 4 hộ luân chuyển lồng, tránh tình trạng thiếu nước và thiếu ô xy. Trong thời gian tới, sẽ mua  bộ bình xục để tạo ô xy”

Từ khi được giao trách nhiệm làm nhóm trưởng nhóm triển khai mô hình nuôi cá lồng, hàng ngày, anh A Nhà dậy sớm hơn để ngâm thức ăn cho cá ăn. Anh thường xuyên kiểm tra nguồn nước cũng như sức ăn của cá. Anh A Nhà chia sẻ: “Bước đầu về cách chăm sóc chúng tôi rất bỡ ngỡ, nhưng được cán bộ Phòng Nông nghiệp chỉ dẫn, nên giờ quen rồi, vui lắm. Mỗi ngày, tôi phải xuống chăm đàn cá khoảng 4 – 5 lần. Nhìn đàn cá ăn khoẻ, mình rất vui”.

“Xã Đăk Pne có nhiều đập thủy lợi vừa và nhỏ có thể nuôi cá lồng được. Nhưng do điều kiện một xã vùng sâu, vùng xa, người dân không dám đầu tư. Khi được huyện triển khai thí điểm mô hình này, người dân thường xuyên đến tìm hiểu và họ muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhiều mô hình như thế này để phát triển nguồn thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.Anh Nguyễn Văn Huy, cán bộ nông nghiệp xã Đăk Pne nói.

Huyện Kon Rẫy có nhiều sông, suối có khả năng nuôi cá lồng. Trên cơ sở thành công của mô hình này, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng ở một số địa bàn khác nhằm đem lại nguồn thu nhập, tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ổn định cuộc sống cho bà con nông dân; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế bền vững.

CTV Lâm Hiền – Hữu Huy 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *