(kontumtv.vn) – Mùa khô năm nay đã xác lập số vụ cháy rừng nhiều nhất từ trước đến nay ở tỉnh Phú Yên. Góc khuất đằng sau những vụ cháy rừng được nhận diện, đó chính là việc trồng rừng kinh tế một cách ồ ạt, thiếu bền vững. Đây cũng là lý do mà mới đây, một lần nữa, các chuyên gia lâm nghiệp tiếp tục khuyến cáo: Việc trồng rừng kinh tế cần thực hiện các quy chuẩn để đạt chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đây không chỉ là giấy thông hành để xuất khẩu đồ gỗ sang các nước mà còn giúp ngăn ngừa rủi ro như những vụ cháy rừng vừa qua.

Khu rừng trồng có diện tích trên 350 ha là một trong những khu rừng trồng đầu tiên ở Phú Yên đạt chứng chỉ rừng bền vững FSC. Từ lúc trồng đến lúc khai thác, chủ rừng đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quản lý rừng bền vững. Chẳng hạn, tại khu vực trồng rừng, khoảng 20% diện tích đất đã không trồng keo lá tràm mà vẫn giữ vốn rừng tự nhiên tái sinh. Chính khoảnh rừng tự nhiên này là đường băng xanh có giá trị to lớn, một khi xảy ra cháy rừng. Ở đây, cây rừng không trồng đồng loạt mà phân bố theo nhiều năm. Nhờ vậy, những khoảnh rừng nhiều năm tuổi tạo được độ ẩm, giảm bớt mức độ khô nóng cho khoảnh rừng ít năm tuổi. TS. Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về quản lý tài nguyên thiên nhiên – GFA tại Việt Nam nói: “Nếu không chia các lô khoảnh ra và các băng xanh hoặc đai rừng phòng hộ khác nhau thì sẽ không ngăn ngừa được các dịch bệnh lớn, nhưng nó cũng là một công cụ giúp hạn chế cháy lây lan và nếu như rừng ở độ tuổi lớn, có đa tầng tán với thảm thực bì phía dưới giữ ẩm tốt, khả năng cháy sẽ bị hạn chế thấp hơn”.

Rừng bền vững FSC ở Phú Yên
Rừng bền vững FSC ở Phú Yên

Kể từ khi đạt chứng chỉ rừng bền vững FSC, chủ rừng có cơ hội nâng thu nhập. Lâm sản làm ra dễ dàng xuất khẩu sang các nước, bởi đã có giấy thông hành, đó là chứng chỉ FSC. Nhưng, lợi ích lớn hơn của rừng bền vững chính là đem lại môi trường ổn định. Đặc biệt, chính cách trồng rừng bền vững này là công cụ để ngăn ngừa cháy rừng. Những lợi ích này đã được người trồng rừng biết đến. Nhưng, cho đến nay, hầu như chỉ mới có những doanh nghiệp mới thực hiện các quy định để đạt chứng chỉ rừng bền vững. Trong khi đó, ở những địa phương như Phú Yên, 60% diện tích rừng trồng lại thuộc các hộ gia đình. TS. Ngô Trí Dũng cho biết: “Phần lớn hiện nay, các khu vực liên quan đến rừng đặc dụng và phòng hộ là tương đối tốt, tuy nhiên với rừng sản xuất, mình đang chú ý quá nhiều đến khâu kinh tế, có nghĩa là tận dụng từng met vuông đất để trồng rừng, do đó, các phương tiện, cơ sở hạ tầng, kỷ thuật để hỗ trợ cho nó khó có thể hạn chế được lửa cháy hay các tác hại khác. Các đường băng cản lửa, các khu vực chừa trống chưa đảm bảo được diện tích và cũng chưa hợp lý”.

 “Đôi lúc chúng ta đầu tư vào các chủ rừng lớn, các ban quản lý, chủ doanh nghiệp có điều kiện. Đối với người dân mình lại ít quan tâm. Lần nay, Luật Lâm nghiệp đã đưa đối tượng người dân vào trong mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp cho đến nhà khoa học, cố gắng tạo liên kết vì người dân không có điều kiện đầu tư thì doanh nghiệp có điều kiện, từ đó khắc phục điểm yếu là khả năng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân”. Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch – Thiết kế NN&PTNT tỉnh Phú Yên nói.

Tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC, đối với các gia đình là điều không đơn giản. Thế nhưng, nếu có sự liên kết giữa lâm hộ với các doanh nghiệp thì việc trồng rừng bền vững vẫn có thể làm được. Khi đó, bên cạnh lợi ích về kinh tế thì cái lợi lớn hơn đó là ngăn ngừa mối nguy cháy rừng như trong năm nay. Được biết, đến lúc này, chỉ riêng tỉnh Phú Yên, đã xảy ra 59 vụ cháy rừng làm thiệt hại không dưới 825 ha rừng trồng- một con số báo động.

An Bang

Đài PT-TH Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *