(kontumtv.vn) – Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ chính thức diễn ra. Nhằm giúp các bậc phụ huynh và thí sinh hiểu rõ hơn về kỳ thi này, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum.

PV: Rất cảm ơn thầy đã tham gia cuộc trao đổi với chúng tôi. Xin thầy cho biết số lượng thí sinh dự thi và địa điểm tổ chức thi của kỳ thi THPT Quốc gia trên địa bàn tỉnh?

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Được UBND tỉnh cho phép, Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức thành 2 cụm thi, 1 cụm thi để xét tốt nghiệp và xét đại học, cụm thi này do Đại học Ngoại Ngữ, thuộc Đại học Đà Nẵng chủ trì, Trường CĐSP Kon Tum phối hợp. Cụm thi thứ 2 chỉ xét tốt nghiệp thôi, do Sở GD&ĐT Kon Tum chủ trì, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật tỉnh là đơn vị phối hợp. Đối với cụm thi xét tốt nghiệp kết hợp với xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, tổng số thí sinh dự thi là 2.634 em, tổ chức tại 3 điểm thi là Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Trường THPT Chuyên và Trường THPT Kon Tum. Cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có tất cả 1.610 thí sinh dự thi, được tổ chức thành 6 điểm, có 2 điểm thi ở thành phố Kon Tum là Trường PT DTNT tỉnh và THPT Duy Tân. Cụm thi này dành cho thí sinh của thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Ngoài ra được tổ chức tại 4 huyện là Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Glei và Kon Plông.

PV: Việc thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và dự thi tuyển sinh vào đại học được tổ chức trên địa bàn tỉnh sẽ có những thuận lợi gì cho thí sinh, thưa thầy?

Phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum
Phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức mỗi tỉnh 1 cum thi vừa xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả để tuyển sinh đại học,cao đẳng. Như vậy thí sinh được thi tại tỉnh mình. Thi tại địa phương cũng tạo điều kiện để các em có tâm lý thoải mái, không phải di chuyển nhiều hơn, sức khỏe đảm bảo hơn. Học sinh hầu hết thi ngay tại huyện, nên các em có tâm lý ổn định hơn, có điều kiện ở gần nhà, phù hợp với môi trường nên thuận lợi cho học sinh.Việc ôn tập của các trường THPT và chuẩn bị các điều kiện tại các điểm thi đến thời điểm này cơ bản thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.

PV: Ngoài điểm mới về địa điểm tổ chức thi so với mọi năm thì năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia còn có những điểm mới gì, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Năm nay Bộ GD&ĐT chủ trương xét thành 3 đợt, đợt 1 là mỗi thí sinh được đăng ký dự thi vào 2 trường đại học, mỗi trường được đăng ký dự thi 2 nguyện vọng. Như vậy đối với đợt 1, thí sinh có 4 nguyện vọng vào học cao đẳng, đại học; đã nộp rồi thì không rút ra nữa. Năm ngoái cho chuyển nộp hồ sơ rồi được quyền rút ra, cho nên ngày cuối cùng chuyển hồ sơ từ trường này sang trường khác, tạo ra áp lực cả trên mạng viễn thông cũng như các hệ thống bưu điện. Năm nay khắc phục cái này, đã nộp thì không rút nên sẽ khắc phục được việc áp lực vào buổi cuối cùng. Đợt 2 các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, như vậy đợt 2 các em có 6 nguyện vọng, 6 cơ hội được đi học đại học và cao đẳng. Tương tự như vậy, đợt 3 các em cũng được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, các em có 6 nguyện vọng trong đợt 3. Đợt 2 và đợt 3 cũng giống như đợt 1, thí sinh nộp hồ sơ rồi không được rút ra nữa.

PV: Thưa thầy, cấu trúc đề thi năm nay như thế nào? Thí sinh sẽ tham gia thi bao nhiều môn, gồm những môn nào? Hình thức thi và thời gian thi cụ thể ra sao?

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi thì nền tảng giống năm 2015, khối lượng đề thi tập trung vào chương trình THPT và tập trung chủ yếu vào khối lớp 12. Số môn thi năm nay giống năm 2015 có 8 môn thi, trong đó có 3 môn là Toán, Văn và Ngoại ngữ là môn bắt buộc đối với thí sinh. Ngoài ra có 5 môn thí sinh tự chọn, tự nhiên có môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, về xã hội thì có môn Lịch sử và Địa lý. Đối với những trường tổ chức học ngoại ngữ chưa tốt, kể cả những trường tổ chức tốt mà học sinh chưa yên tâm, chưa tự tin thì các em được quyền thay thế môn ngoại ngữ trong các môn còn lại. Thời gian thi thì năm nay tổ chức thi vào 4 ngày, từ ngày 1 đến ngày 4/7. Mỗi ngày, buổi sáng 1 môn tự luận và chiều là 1 môn trắc nghiệm. Bắt đầu là môn Toán ngày 1, chiều là Tiếng Anh. Ngày 2 sáng là môn Văn, chiều môn Vật lý. Ngày 3 là sáng môn Địa lý và chiều môn Hóa học. Ngày 4  sáng môn Lịch sử, chiều môn Sinh học. Về thời gian làm bài thi, đối với các môn tự luận thời gian làm bài là 180 phút, các môn trắc nghiệm thời gian làm bài là 90 phút.

PV: Thí sinh dự thi sẽ phải mang những giấy tờ và vật dụng gì khi đi thi, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Thí sinh được mang vào phòng thi 1 là máy tính bỏ túi mà không có bộ nhớ ngoài, thứ 2 là Atlat để sử dụng cho việc thi môn địa lý. Ngoài ra các thiết bị khác thí sinh không được mang vào phòng thi. Về giấy tờ cá nhân thì thí sinh sẽ phải mang thẻ dự thi do điểm thi cấp cho các em vào ngày 30/ 6 và chứng minh nhân dân. Đó là 2 giấy tờ cá nhân thí sinh phải mang theo trong quá trình thi.

PV: Thưa thầy, để các thí sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi năm nay, thầy có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ  và thí sinh?

Thầy giáo Nguyễn Phúc Phận: Để cho các cháu làm bài tốt, thay mặt cho ngành Giáo dục, tôi mong phụ huynh học sinh quan tâm một số vấn đề: Thứ nhất là về giờ giấc đi thi cho bảo đảm. Quy chế thi rất nghiêm ngặt, sau khi tính thời gian làm bài mà thí sinh chưa có mặt là bỏ môn thi, bỏ 1 môn thi đồng nghĩa với việc kỳ thi được hủy, không tính kết quả. Cho nên nhà xa trường thì nên đi sớm hơn 1 chút, tạo điều kiện để các em đến trường. Về chế độ ăn uống thì không nên ăn nhiều quá, cũng không nên ăn kiêng. Ăn kiêng thì không đảm bảo sức khỏe, còn ăn nhiều quá, dùng thức ăn lạ mong con mình khỏe để đi thi cũng không nên, dễ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng trong quá trình làm bài thi. Cha mẹ cũng nên động viên các cháu không nên căng thẳng quá. Đối với thí sinh dự thi, các em đã được nhà trường ôn tập và  tự ôn tập rất kỹ rồi, mong rằng các em tự tin, sẵn sàng vào kỳ thi. Trong quá trình làm bài thi, đề thi là vừa xét tuyển sinh đại học, vừa xét tốt nghiệp nên thí sinh cần chú ý câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, không nhất thiết phải làm hết đề. Thí sinh hết sức bình tĩnh, tự tin chọn câu dễ làm trước, câu nào khó làm sau thì chúng ta đạt kết quả tốt hơn.

PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn thầy!

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *