(kontumtv.vn) – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ việc phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với Chính phủ trong 5 năm tới trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, phát triển xã hội, giám sát xã hội, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất hai bên phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:

MTTQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung liên quan đến tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có nội dung xây dựng kinh tế.

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam đề nghị tham gia góp sức giúp các xã biên giới sớm trở thành xã nông thôn mới. “Cả nước có 450 xã biên giới, nếu có chủ trương giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam, Mặt trận sẽ có chương trình vận động các doanh nghiệp để góp phần xây dựng các xã biên giới sớm hoàn thành đủ các tiêu chí xã nông thôn mới”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam sẽ sơ kết 1 năm việc thực hiện Chỉ thị 19 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những đề xuất phối hợp mà người đứng đầu Mặt trận nêu tại phiên họp là trên cơ sở phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đang xây dựng đề án “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, hiệu quả, hội nhập quốc tế” để tập trung nguồn tri thức, sáng tạo của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nguồn lực của các doanh nghiệp lớn tạo sự xung kích, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế để tạo niềm tin, sáng tạo của người Việt Nam.

Đối với vấn đề phát triển, giám sát xã hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 3 chương trình phối hợp.

Thứ nhất là phối hợp giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố vận động các chủ hộ là phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân và thành viên hợp tác xã ở các địa phương giám sát việc sản xuất an toàn ở cơ sở.

Cùng với đó, sẽ tập trung giám sát các hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến nhỏ lẻ, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cửa hàng, siêu thị… thông qua một số tổ chức thành viên. Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề xuất cần có sự liên thông giữa giám sát và thanh tra chuyên ngành, ở đâu Mặt trận tham gia giám sát phát hiện thì Nhà nước có chế tài để tạo sự liên thông. Cùng với đó, cần có chương trình quốc gia tư vấn về an toàn thực phẩm.

Thứ hai, cần có chương trình toàn dân đoàn kết bảo vệ môi trường, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu và vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện việc báo cáo hằng quý và 6 tháng về tình hình nhân dân để gửi Chính phủ và Quốc hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tiến hành việc xác định chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công.

“Đây là việc MTTQ Việt Nam đã tiến hành phối hợp với một số bộ, thực hiện trong thời gian qua và trong năm 2016 sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp thêm”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất tham gia tập hợp, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật Luật Biểu tình, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật về Hội cũng như một số nghị định.

“Mặt trận cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong các chương trình phối hợp trên để hai bên cùng hành động trong 5 năm tới”, người đứng đầu MTTQ Việt Nam khẳng định.

Ngọc Quang/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *