(kontumtv.vn) – Theo GS Carl Thayer, VN cũng như các nước khác, cần phải mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phòng vệ chính đáng.

Phó chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS – Mỹ) Murray Hiebert và GS Carl Thayer – Đại học New South Wales (Úc) phân tích với VietNamNet về bước tiến mới trong quan hệ song phương Việt – Mỹ diễn ra tuần qua.

Mỹ, VN, vũ khí, Biển Đông, TQ,  Murray Hiebert, Carl Thayer
  Ông Murray Hiebert

Bước tiến quan trọng

Ông Murray Hiebert nhận định, việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí góp phần hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ VN-Mỹ. Nó cũng đánh dấu bước phát triển tiếp theo khi hai nước cùng nỗ lực làm việc để đạt được “quan hệ đối tác toàn diện”. Với Mỹ, việc cho phép VN có thể mua tàu tuần tra, máy bay trinh sát sẽ giúp nâng cao nhận thức và khả năng hàng hải của VN.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh, dù đây là bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ song phương, nhưng Mỹ mới chỉ dỡ bỏ một phần. “Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm cần phải có thời gian.

Trong khi đó, ông Carl Thayer nhìn nhận, quyết định của chính quyền Obama trong việc dỡ bỏ một phần các hạn chế bán vũ khí sát thương cho VN là có thể đoán biết được dựa vào đà phát triển trong năm nay, đặc biệt với các chuyến thăm của thượng nghị sĩ John McCain và Tướng Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ.

Quan hệ đối tác chiến lược

Từ bước tiến mới trên, chuyên gia của CSIS đề cập tới một cơ hội tốt để Tổng thống Obama sẽ thăm VN vào năm 2015.

Trong khi đó, GS Thayer nhìn rộng ra vấn đề an ninh khu vực khi cho rằng: “Mỹ sẽ chỉ ‘tặng quà’ khi bên còn lại ‘hồi đáp’ hay đáp ứng được mối quan tâm và lợi ích của Mỹ theo một cách tích cực. VN và Mỹ cùng chia sẻ lợi ích an ninh ở Biển Đông.

Mỹ, VN, vũ khí, Biển Đông, TQ,  Murray Hiebert, Carl Thayer
GS Carl Thayer

Ông khẳng định, “quả bóng hiện tại nằm ở phía sân của VN”. “VN giờ đây cần phải quyết định có hay không muốn mua vũ khí từ Mỹ, và nếu có, sẽ là vũ khí gì. Một số nguồn ở Mỹ đã đề cập tới khả năng tàu tuần tra, máy bay trinh sát hàng hải cho cảnh sát biển VN. Nếu VN mua với số lượng lớn có nghĩa là sẽ tiếp tục tương tác với Mỹ trong một số lĩnh vực như bảo dưỡng, linh kiện thay thế và nâng cấp. Nếu VN vận hành các tàu và hệ thống vũ khí Mỹ thì sẽ tăng cường được khả năng hoạt động với Hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ”.

“Tóm lại, việc bán vũ khí sẽ thúc đẩy sự hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Hai bên sẽ phải xây dựng lòng tin chiến lược và cùng tham gia vào các cuộc tập trận chung một thời gian trước khi có thể trở thành các đối tác chiến lược. Hai bên có nhìn nhận khác biệt về cái gọi là một mối quan hệ đối tác chiến lược. Mỹ đặt trọng tâm vào quan hệ quân sự. VN nhấn mạnh đến bản chất toàn diện của quan hệ song phương. Trong thực tế, Mỹ và VN có thể trở thành đối tác chiến lược mà không cần ký kết thỏa thuận chính thức. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra trong ngắn hạn”, GS Carl Thayer lập luận.

Quan hệ ba bên

Trong khi đó, theo ông Murray Hiebert, các động thái của Mỹ nhằm củng cố quan hệ với VN, bao gồm cả việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí, là một phần chiến lược cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á, nó cũng là nỗ lực góp phần vào quá trình thương thảo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà cả Mỹ và VN đang tham gia.

Việc nới lỏng lệnh cấm diễn ra giữa thời điểm khá nhạy cảm là xung đột ở Biển ĐôngTuy nhiên, Washington đã thận trọng khi chỉ nới lỏng cấm vận để VN có thể mua các trang bị nhằm nâng cao nhận thức và khả năng hàng hải.

Thái An – Thủy Chung /Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *