(kontumtv.vn) – Ngày 24/12/2020, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 43 về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Đón xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Đài PT – TH Kon Tum có cuộc trao đổi cùng ông Ngô Việt Thành – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các lĩnh vực đột phá được đề ra theo kế hoạch này

PV: Thưa ông, giai đoạn 2016-2020 tỉnh Kon Tum đã thực hiện khá thành công 2 chương trình MTQG. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu như thế nào cho việc thực hiện các chương trình này?

Ông Ngô Việt Thành: Bước sang giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm 03 chương trình đó là chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hai là chương trình Xây dựng nông thôn mới và thứ 3 là chương trình Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Với mục tiêu, thứ nhất là tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Kon Tum cùng 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu thứ 2 là đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, gắn với chống tái nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 4% theo chuẩn nghèo hiện nay. Một việc nữa là Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

PV: Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Vậy ông có thể cho biết trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung vào những khâu trọng yếu nào để tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh”?

Ông Ngô Việt Thành: Đối với lĩnh vực này, chủ trương của tỉnh là phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, với mục tiêu: Thứ nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ 2 nữa chúng ta sẽ quy hoạch, phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ở những địa bàn có điều kiện, phấn đấu đến năm 2030 mỗi huyện có 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nội dung này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu tổng kết Nghị quyết số 02 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh” và ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình này.

PV: Vâng, thưa ông, cùng với nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, tỉnh Kon Tum xác định tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp – đô thị – dịch vụ). Ông cho biết định hướng phát triển về vấn đề này trong giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Ngô Việt Thành: Định hướng của tỉnh về vấn đề này trong giai đoạn 2021 – 2025 như sau:  Phấn đấu nâng cấp thành phố Kon Tum sớm đạt đầy đủ các tiêu chí đô thị loại II. Đưa huyện Ngọc Hồi sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV; trung tâm huyện lỵ các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt các tiêu chí đô thị loại V. Theo đó, chúng ta sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thành các công trình hạ tầng tại khu trung tâm hành chính của tỉnh, các dự án chỉnh trang đô thị, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, các khu sản xuất tập trung để nâng cấp đô thị theo lộ trình. Tiếp tục huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tập trung phát triển cụm công nghiệp tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô. Trong đó, tạo quỹ đất để đầu tư hạ tầng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, nhà máy chế biến gỗ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, dịch vụ, nhất là các dự án hậu cần xuất nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

PV: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông có thể chia sẻ thêm về các chỉ tiêu của tỉnh đặt ra đối với nhiệm vụ này?

Ông Ngô Việt Thành: Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự thảo dự kiến đặt ra một số chỉ tiêu đối với nhiệm vụ: Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Việc thứ hai là tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng một nền hành chính công thân thiện, tiện lợi; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc thứ 3 là tạo ra sự đột phá lớn về kết cấu hạ tầng thông qua thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách. Việc thứ 4 là đến năm 2025, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm khá của cả nước; phấn đấu đến năm 2030 chỉ số PCI tỉnh thuộc nhóm tốt của cả nước. Thứ năm, chúng ta phấn đấu đến cuối năm 2025, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 30/63 tỉnh, thành phố và đến cuối năm 2030 thuộc nhóm 20/63 tỉnh, thành phố.

PV: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, tỉnh đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu nào phấn đấu thực hiện?

Ông Ngô Việt Thành: Tỉnh đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 như sau: Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh đạt trên 10%; đưa bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng; phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu USD; tập trung trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh và 2.000 ha các cây dược liệu khác; nâng tỷ lệ che phủ rừng (có tính cây cao su) đạt trên 63,1%;  phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tổ chức đón 1,5 triệu lượt khách du lịch. Về văn hóa – xã hội: Đưa Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%;  giảm ít nhất 4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều;  nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề lên 30%; đưa số giường bệnh trên một vạn dân đạt 39,6 giường; nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%;  tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở đạt 98,5%;  tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất đạt 93%;  xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 55%;  Tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 84%.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *