(kontumtv.vn) – Các chuyên gia phân tích về những vấn đề đã làm và chưa làm được trong năm 2016 cũng như quyết tâm đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Phần 2 cuộc Tọa đàm “Dấu ấn 2016: Liêm chính, Kiến tạo và Hành động” với 3 vị khách mời tham gia là ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế.

nam 2016 be ghi cho cong cuoc moi dien mao moi hinh 1
3 vị khách mời tham dự buổi tọa đàm “Dấu ấn 2016: Liêm chính, Kiến tạo và Hành động”.

Vụ việc dù lớn hay nhỏ nhưng thông điệp đến với người dân lại rất lớn

PV: Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gây sự chú ý đặc biệt của dư luận và tốn nhiều giấy mực của báo chí trong năm 2016. Hàng loạt cán bộ cao cấp đương chức cũng như về hưu trong vụ này đã bị kỷ luật, cảnh cáo, trong đó có nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng… Công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt. Việc thưởng phạt phân minh cùng những phát ngôn mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm 2016 cho thấy quyết tâm chỉnh đốn, lấy lại niềm tin của nhân dân. Thưa ông Vũ Mão, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Vũ Mão: Một số việc làm vừa qua rất cần thiết, đó cũng là chúng ta thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng, đáp ứng được lòng dân. Chúng ta đưa ra xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh, đưa những vấn đề liên quan đến nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là cần thiết.

Theo tôi, với những trường hợp trên, về Đảng đã có xử lý nhưng bây giờ muốn xử lý tiếp, nhất là những vấn đề liên quan đến pháp luật thì phải giao cho các cơ quan thực thi pháp luật như Thanh tra Nhà nước, Kiểm sát, Công an để xem xét, đi sâu vào từng vụ việc.

Tới đây, có rất nhiều công đoạn chúng ta phải làm. Chúng ta đã quyết tâm trên tư tưởng, chỉ đạo thì phải hành động, hành động đến cùng. Khi làm sẽ có đụng chạm, nhưng đụng chạm cũng phải làm vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

PV: Những vụ việc cụ thể dù lớn hay nhỏ nhưng thông điệp đến với người dân lại rất lớn. Ông Lưu Bình Nhưỡng có nghĩ như vậy?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi là người làm việc trong lĩnh vực pháp luật, có nhiều năm làm tham mưu cho lĩnh vực cải cách tư pháp, tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Vũ Mão. Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Ở đây vấn đề không chỉ nói cá nhân mà chúng ta đang nói đến một loạt vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành, chỉ đạo.

Thời gian gần đây rộ lên nhiều vụ liên quan đến lĩnh vực trước đây của Bộ Công thương, liên quan đến Vũ Đình Duy và nhiều nhân vật nữa hiện nay đang đi “chữa bệnh” ở nước ngoài, vấn đề bổ nhiệm cán bộ ở Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ… Công tác cán bộ được Đảng xác định là công tác then chốt thì bây giờ phải thực hiện như thế nào để đảm bảo thực sự là then chốt, nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để cải tạo, xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nguyên tắc mà Đảng, Nhà nước đặt ra.

nam 2016 be ghi cho cong cuoc moi dien mao moi hinh 2
Ông Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi tọa đàm.

PV: Dù còn nhiều hạn chế, tồn tại, tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng tích cực giải quyết sự cố môi trường biển Formosa và nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống cũng được giải quyết kịp thời. Điều này cũng cho thấy sự chuyển động mới trong điều hành của Chính phủ và các cơ quan công quyền, để lấy lại niềm tin của người dân vào một bộ máy công quyền hướng tới việc phục vụ người dân tốt hơn. Thưa ông Vũ Mão, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Như chúng ta nói đã có một số chuyển biến nhưng chuyển biến đó là bước đầu, sang năm 2017 phải có nhiều chuyển biến hơn nữa. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên tiếp tục phát huy những ưu điểm trong năm 2016, có thêm nhiều việc làm cụ thể thiết thực, trong đó có một số vụ việc cần xem xét, xử lý đến cùng.

Gần đây Ban Bí thư có Chỉ thị yêu cầu không biếu quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức, tôi cho điều đó rất cần thiết và rất mừng. Nhưng muốn tổ chức thực hiện được việc đó có hiệu quả thì công tác giám sát thế nào? Sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, chủ trương, quyết định của Thủ tướng, cần phải đưa ra những quy định rất cụ thể, giám sát việc đó như thế nào. Sắp đến Tết rồi, thời gian không còn dài, chúng ta phải tính toán chuyện đó để thành hiện thực.

Chúng ta có Quốc hội mới được đánh giá có chất lượng cao hơn, trình độ văn hóa cao hơn, nhưng theo tôi nói vậy nhưng làm ở Quốc hội không dễ. Làm khơi khơi, vừa phải thì cũng xong, nhưng đòi hỏi trước yêu cầu đổi mới thực sự như vậy và Luật phòng chống tham nhũng Chính phủ chuẩn bị tiếp, đồng thời các cơ quan của Quốc hội phải tham gia như thế nào để có Luật thực sự.

Ngoài các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội cần phải phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng phản biện, nhưng cần được pháp luật hóa, phải có luật về phản biện để mọi người dân có trách nhiệm, ý thức tham gia phản biện và có một khuôn khổ pháp luật, khung pháp lý để thực hiện việc đó.

Bà Phạm Chi Lan: Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng để làm việc với Formosa bị truy cứu, buộc họ phải nhận trách nhiệm, phải bồi thường và thực hiện việc bồi thường. Sau đó, Chính phủ cũng đã giao các Bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát Formosa để đảm bảo những hành động sau này của họ không vi phạm về vấn đề môi trường nữa. Thủ tướng từng tuyên bố, nếu Formosa tiếp tục vi phạm nữa thì sẽ cương quyết đóng cửa. Đó là một tuyên bố đúng. Ngoài ra, từ vụ việc Formosa, Thủ tướng cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận những dự án đầu tư có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng thắn trong vụ việc này, tôi chờ đợi có sự hành động nhanh chóng hơn của các cấp khác nhau. Khi vụ việc xảy ra tôi chờ đợi các Bộ, ngành khẩn trương hơn trong việc điều tra, nhất là việc kết luận có những hóa chất gì đang gây ra ô nhiễm và những hóa chất đó gây tác hại như thế nào tới đời sống của người dân, phải làm thế nào để chặn hoặc giảm thiểu xuống mức thấp nhất tất cả những tai hại có thể gây ra.

Liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc khác, Quốc hội và Chính phủ trong thời gian vừa qua cũng đã cố gắng tham gia giải quyết.

Tuy nhiên, theo tôi đây là vấn đề cần phải xem lại một cách căn cơ, từ cả bộ máy, cán bộ ở các nơi, phân cấp, trách nhiệm như thế nào giữa các cơ quan. Những trường hợp cán bộ như thế này sẽ tiếp tục xảy ra nếu như không giải quyết được một cách căn cơ các vấn đề.

Bắt đầu “bẻ ghi” cho một công cuộc mới, diện mạo mới

PV: Năm 2016, cụm từ KHỞI NGHIỆP được nhắc đến nhiều và năm 2016 cũng được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Cần “cắt nghĩa” đúng về cụm từ này và triển khai như thế nào trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, thưa ông Lưu Bình Nhưỡng?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chính phủ và Thủ tướng đã bắt đầu triển khai rất nhiều dự án cho khởi nghiệp từ thể chế, chính sách cho đến công việc hàng ngày.

Có thể nói Thủ tướng rất cần mẫn, thậm chí có những lúc chỉ đạo rất quyết liệt, có những việc cho từng doanh nghiệp, Thủ tướng có thể chỉ đạo ngay. Nếu nói năm 2016 là năm khởi nghiệp thì có nghĩa chúng ta bắt đầu “bẻ ghi” cho một công cuộc mới, diện mạo mới.

Ở đây có hai khía cạnh, thứ nhất, năm bắt đầu chúng ta làm lại, những gì đã cũ được làm mới, đổi mới cả nội dung và hình thức để có được nền tảng tốt cho xã hội phát triển. Ví dụ, tập đoàn, tổng công ty có nên tiếp tục để như vậy không hay những công ty làm ăn thua lỗ chúng ta tính toán như thế nào, kể cả trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các dự án lớn…

Thứ hai, khuyến khích người dân bắt đầu quá trình đầu tư mà trước đây họ chưa làm thì bây giờ bỏ vốn ra, tham gia vào quá trình làm. Năm khởi nghiệp là năm đặt nền tảng, vì vậy phải phấn đấu để tạo ra diện mạo mới. Ở đây quan trọng nhất là tinh thần văn hóa khởi nghiệp. Nếu anh muốn khởi nghiệp mà không có triết lý hành động, không có văn hóa thì hết sức nguy hiểm.

Trước Quốc hội, tôi đã đề nghị, giai đoạn 2016-2020 với đường lối phát triển kinh tế như thế này thì chúng ta phải có một triết lý, giống như Chính phủ đặt ra triết lý hành động hay cơ quan tư pháp là cơ quan vì công lý, vậy thì Quốc hội phải là một Quốc hội nhân văn. Văn hóa khởi nghiệp phải là một văn hóa kinh doanh và sản xuất kinh doanh, phải là một nền kinh doanh có đạo đức.

Nếu coi luống rau, luống chè sinh kế khác với luống rau, luống chè hàng hóa thì quả thực chúng ta đang tự làm làm hại mình. Cho nên khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hóa chứ không phải khởi nghiệp từ đồng tiền. Nếu cầm một đồng tiền mà anh có văn hóa, sử dụng vào kinh doanh và anh biết triết lý này thì nền sản xuất sẽ có thương hiệu lớn.

nam 2016 be ghi cho cong cuoc moi dien mao moi hinh 3
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế (ảnh phải) nhận định việc phát động phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam là cần thiết.

Bà Phạm Chi Lan: Việc chúng ta phát động phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam là việc tốt và cần thiết. Khi nhìn nhận lại quá trình đổi mới 30 năm của Việt Nam đã có một lực lượng doanh nghiệp khoảng 0,5 triệu tổ chức doanh nghiệp khác nhau đang hoạt động, đó cũng là một thành quả quan trọng của đổi mới. Tuy nhiên, những năm gần đây số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động cũng tăng lên rất nhiều, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi đánh giá lại toàn bộ bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như phát triển của doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy năng suất lao động đang bị giảm tốc độ tăng trưởng và có vẻ việc giảm tốc độ tăng trưởng của năng suất lao động đang tiếp diễn cho đến bây giờ chưa khắc phục được.

Trong nguyên nhân quan trọng của nó, có thực tế là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ được hình thành và hoạt động trước hết vì nhu cầu mưu sinh của người dân trong khu vực tư nhân. Nhưng đối với người Việt Nam, khu vực tư nhân của Việt Nam mà chỉ từ nhu cầu mưu sinh mà hình thành các doanh nghiệp đăng ký hoạt động và hoạt động tương đối đơn giản, mua qua bán lại các sản phẩm hoặc làm các sản phẩm rất đơn giản, mang tính chất gia công, sản phẩm thô là chính thì không thể phát triển được, năng suất lao động sẽ thấp.

Do đó buộc phải phát triển phong trào khởi nghiệp với tinh thần xây dựng doanh nghiệp mới nhưng hoạt động trên cơ sở đổi mới sáng tạo, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, cũng như thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp để làm cho năng suất lao động có thể cao hơn. Năng suất của mỗi người, mỗi nhân tố đóng góp vào doanh nghiệp phải có được năng suất, hiệu quả cao hơn so với trước thì đó mới là tinh thần khởi nghiệp.

Bên cạnh khởi nghiệp, Chính phủ cũng đề ra chương trình đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hình thành, đó là tổng số doanh nghiệp nhưng trong số đó bao nhiêu là khởi nghiệp. Tôi nghĩ, khởi nghiệp là một tỷ lệ nhỏ hơn thôi chứ không phải ai lập nghiệp cũng làm theo dạng đổi mới, sáng tạo được. Song đổi mới, sáng tạo vẫn vô cùng quan trọng và cần thiết, chúng ta rất cần một lực lượng doanh nghiệp mới ra đời trên cơ sở đổi mới, sáng tạo như vậy.

Chúng ta cần làm rõ hơn nữa khái niệm khởi nghiệp là gì. Khởi nghiệp tức là phải gắn với đổi mới, sáng tạo, phải gắn với những mô hình, những cách thức phát triển mới chứ không phải đi theo con đường mòn trước đây cứ hình thành doanh nghiệp là được coi là khởi nghiệp. Từ đó đòi hỏi năng lực của doanh nghiệp, năng lực của con người cao hơn rất nhiều so với trước, đặc biệt là đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách mới, áp dụng được, khuyến khích được các doanh nghiệp làm theo kiểu khởi nghiệp.

Đừng biến khởi nghiệp thành một phong trào có thể rộng rãi, có thể có nhiều người đăng ký nhưng không mang lại những giá trị thực chất, giá trị gia tăng, năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế. Tôi mừng vì thời gian gần đây một số Bộ có trách nhiệm liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã sát chương trình, có những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để dựng nên những khoản vốn đầu tiên hướng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh vốn cũng đã rất quan tâm tới việc huy động các Viện nghiên cứu của Bộ hoặc các Viện, tổ chức khoa học công nghệ sát cánh cùng doanh nghiệp để hướng dẫn, chia sẻ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp làm. Đó là những việc làm thiết thực và cần thiết.

Ở một vài địa phương cũng đã có những công việc như vậy như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có những chương trình khuyến khích những thanh niên trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều khi đi vào cụ thể mới thấy có những ý tưởng tưởng như nhỏ nhưng khi họ làm và thay đổi cách làm thì hiệu quả tốt đẹp vô cùng so với những cách làm trước đây. Việc đó đã khắc phục đáng kể câu chuyện làm luống rau riêng cho gia đình ăn thì rất sạch sẽ, tuân thủ các quy trình công nghệ, trong khi đó sản xuất luống rau ra thị trường lại rất bẩn.

Khi họ đã làm theo tinh thần khởi nghiệp sẽ gắn với khoa học công nghệ, với những tiêu chuẩn khác nhau, từ đó tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa kinh doanh cũng được đặt ra. Khởi nghiệp theo cách đó rất cần làm, cần được nhìn nhận và thực hiện cho đúng trong toàn xã hội.

nam 2016 be ghi cho cong cuoc moi dien mao moi hinh 4
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chúng ta đã quyết tâm trên tư tưởng, chỉ đạo thì phải hành động, hành động đến cùng. 

PV: Khởi nghiệp cũng là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 và các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có thêm những chính sách cụ thể như thế nào thúc đẩy khởi nghiệp khởi sắc, phát triển trong thời gian tới?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Một triệu doanh nghiệp chỉ là vấn đề hình thức, là số lượng, điều quan trọng của tinh thần khởi nghiệp phải là tinh thần của sáng tạo, của tư duy, công nghệ mới, công nghệ sạch, của đạo đức kinh doanh. Bản thân các nhà doanh nghiệp và những người tham gia vào thị trường đã rất cố gắng nhưng một mình họ không thể xoay chuyển được tất cả. Họ rất cần thể chế, “bà đỡ” của Nhà nước, sự đồng tâm thống nhất của cả thị trường và người tiêu dùng.

Thứ hai, ngoài những nền tảng về vật chất, thể chế, đạo đức thì toàn bộ xã hội cần có sự chung tay ủng hộ. Chúng ta đang có sự chuyển hướng kèm theo vấn đề nông thôn mới, chúng ta cơ cấu lại nền nông nghiệp hay gọi là công nghiệp hóa nông nghiệp. Vì vậy khởi nghiệp ở khu vực nông thôn cũng rất quan trọng.

Đặc biệt, số sinh viên thất nghiệp lên tới 200.000, vì vậy lực lượng lao động cần phải được đào tạo thế nào để phục vụ tinh thần khởi nghiệp của 1 triệu doanh nghiệp. Tôi cho rằng, vấn đề lao động, lĩnh vực đào tạo để tạo ra những con người phục vụ khởi nghiệp của 1 triệu doanh nghiệp là rất quan trọng.

Bà Phạm Chi Lan: Khởi nghiệp ở nước ta cũng như những mục tiêu về số lượng doanh nghiệp và các mục tiêu kinh tế khác đặt ra cho năm 2020 hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế vào giai đoạn này. Nền kinh tế của ta trong thời gian qua đã phát triển với tốc độ tương đối nhanh, tăng trưởng tương đối nhanh nhưng về góc độ kinh tế cũng có thể thấy chúng ta vẫn chưa xây dựng được những nền tảng cơ bản cho sự phát triển cao hơn một cách bền vững.

Đối với khởi nghiệp và mục tiêu năm 2020 có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả thì còn có nhiều việc để làm. Có lẽ cũng rơi vào 3 vấn đề lớn mà chúng ta coi là 3 đột phá chiến lược được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI, Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu trong chiến lược 10 năm (2011-2020) của Việt Nam đó là 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.

Về phát triển doanh nghiệp hay khởi nghiệp cũng vậy thì phải đòi hỏi thể chế, chính sách mới, trong đó, trước hết phải có một môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Khởi nghiệp sẽ không thể có được nếu như vẫn có một khu vực doanh nghiệp nhà nước với vô vàn những ưu đãi của Nhà nước, bao nhiêu nguồn lực được đổ về và họ được sử dụng một cách rất lãng phí mà không cần hiệu quả mà vẫn hoạt động, tồn tại được.

Hạ tầng cần thiết đối với mọi vùng, nhất là hạ tầng Việt Nam phải kết nối lại được với nhau chứ không phải nơi nào chỉ biết làm đến phần của mình rồi thôi. Một con đường ở Việt Nam nhiều khi thấy buồn cười, đoạn này thì tốt nhưng đến đoạn khác lại xấu bởi vì nó giáp ranh giữa hai tỉnh, không ai lo.

Nền kinh tế trong điều kiện hội nhập rất thiếu sự kết nối với nhau, trong khi chúng ta muốn hội nhập để kết nối với bên ngoài nhưng bên trong bản thân chính sách, các hoạt động của Bộ, ngành không kết nối được thì doanh nghiệp sẽ không thể làm nổi. Một vài Bộ có thiện chí thì sẽ không giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp được mà một loạt các Bộ, ngành phải tham gia.

Về nguồn nhân lực liên quan rất nhiều đến giáo dục đào tạo. Chúng ta đào tạo trên danh nghĩa thì nhiều nhưng số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp chứng tỏ một điều những người được đào tạo như vậy không thích ứng với nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế. Chúng ta vẫn kêu thiếu người tài, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng nhưng tại sao được đào tạo như vậy lại không làm việc được, không có được việc làm vì đơn giản họ không đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, Giáo dục đào tạo cũng cần phải thay đổi một cách cơ bản, rất cần biết tôn trọng, nắm được nhu cầu phát triển của xã hội.

Có thể nói chúng ta đã đi học kinh nghiệm ở nhiều nước và cũng có đầy kinh nghiệm, ví dụ như cần những lồng ấp cho doanh nghiệp như thế nào, chuyển giao khoa học công nghệ ra sao thì một mặt các doanh nghiệp tự họ sẽ phải lo đi học hỏi, nhưng mặt khác cũng rất cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước để tạo cơ hội tiếp cận các nguồn lực này tốt hơn.

Ý chí của người Việt Nam, những người trẻ Việt Nam lớn lắm, khát vọng của họ cũng rất lớn không chỉ cho bản thân họ mà ai cũng muốn đóng góp cho gia đình, làng, đất nước phát triển. Chúng ta đừng làm cho những người trẻ mòn mỏi, cố gắng mãi mà thui chột hết nhiệt huyết của họ hoặc những người mới ra đời lập nghiệp nhưng bị dội những gáo nước lạnh bằng cách hành xử nhiều khi vô cảm hoặc sự nhũng nhiễu của chính quyền một số nơi. Có như vậy lực lượng khởi nghiệp mới có thể phát triển được và đóng góp cho sự phát triển tương lai của đất nước./.

(Còn tiếp…)

 

Nhóm PV/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *