(kontumtv.vn) – Giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển thị trường xuất khẩu lao động, chăm lo tốt hơn cho người có công, người cần trợ giúp xã hội… là những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ LĐTB&XH tập trung thực hiện trong năm 2020.

 TQV
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những nỗ lực của Bộ LĐTB&XH trong năm 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 về lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội, ngày 25/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước… Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các bộ, ngành.

Giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 4%

Nhìn lại những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ đã ban hành chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể.

Bộ LĐTB&XH đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỉ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%; hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Đáng chú ý, dự kiến đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018); bình quân tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 29% (giảm gần 5% so với cuối năm 2018); bình quân tỉ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018.

“Đến nay, có 52/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (2 xã lên phường, 50 xã đạt tiêu chí nông thôn mới); 125 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; 8/64 huyện thoát nghèo (chiếm 12,5%); 14/30 huyện (chiếm 46,6%) hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Lĩnh vực lao động-việc làm cũng đạt những kết quả khả quan, ước cả năm tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công. Tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng với phạm vi mở rộng hơn, theo báo cáo của 49 tỉnh/thành phố có hồ sơ tồn đọng, đến nay có 8 địa phương đã giải quyết xong và 14 tỉnh không có tồn đọng. Ước đến cuối năm, 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ LĐTB&XH trong năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bộ LĐTB&XH đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong các lĩnh vực ngành phụ trách. Trong đó, tiêu biểu là lĩnh vực lao động-việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020 trước 1 năm. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống.

Xây dựng chính sách an sinh tạo cơ hội cho mọi người dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Bộ LĐTB&XH khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTB&XH rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ LĐTB&XH chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Cùng với đó, kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ LĐTB&XH tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế-xã hội và gia đình.

Đặc biệt, cần chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. “Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Năm 2020, tập trung 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành

Nhấn mạnh về công tác chỉ đạo điều hành của ngành LĐTB&XH năm 2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2020 ngành sẽ tập trung vào 5 trọng tâm.

Thứ nhất là công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.

Thu Cúc/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *