(kontumtv.vn) – Mặc dù được đầu tư với nguồn kinh phí không nhỏ để phục vụ việc tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2009, thế nhưng sau một thời gian đến nơi ở mới, phần lớn người dân thôn Ba Tu 3 và Tam Rin, xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã trở về làng cũ sinh sống. Điều này cho thấy cần phải xem lại công tác tái định cư ở nơi đây.
Sau cơn bão số 9 năm 2009, huyện Tu Mơ Rông đã tiến hành xây dựng khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống cho hơn 50 hộ dân ở thôn Ba Tu 3, xã Ngọc Yêu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, sau một thời gian chuyển đến ở khu tái định cư người dân đã trở về làng cũ sinh sống. Khu tái định cư bị bỏ hoang nên nhiều căn nhà đã bị sập và tốc mái tôn, các công trình nước sinh hoạt cũng bị hư hỏng nặng. Ông A Khánh (thôn Ba Tu 3, xã Ngọc Yêu) nói: “Ở trên đó thì bà con mình đất ở xa, đi làm cũng xa, xuống ở đây cho nó gần, ở trên đó điện có rồi nhưng bà con đi làm xa lắm. Dưới đây thì cũng nguy hiểm nhưng đỡ hơn trên đó. Trên đó lạnh quá, tới tháng 11, 12 lạnh hơn dưới đây, gió cũng mạnh hơn ở đây nữa”.
Khu tái định cư thôn Tam Rin cũng chung cảnh ngộ như khu tái định cư thôn Ba Tu 3: Hoang tàn, trống trải. Hơn 60 hộ được tái định cư thì hơn một nửa trong số đó đã trở về làng cũ để sinh sống.
Điều đáng nói là ở làng cũ không có điện nên các hộ dân ở 2 khu tái định cư này tự mua dây và liều lĩnh kéo điện về để sinh hoạt. Mỗi người kéo điện một kiểu, tạo thành một mạng lưới dây điện chằng chịt, vắt vẻo trên cây có, sà lẫn dưới đất cũng có, nguy cơ mất an toàn về điện rất cao, nhất là trong tình trạng mưa liên tục như hiện nay. Ông A Đức (thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu) nói: “Đất bên đó hẹp quá, bà con đông quá không có chỗ sinh hoạt, giờ có một số ở lại đây, một số ở bên đó. Khó khăn nhất là điện thắp sáng của bà con, có người chung 2 đến 3 nhà thì kéo từ dưới đó cũng hơn 10 triệu, giờ bà con thu nhập cũng không có, nói chung vấn đề khó khăn của bà con như vậy”.
Việc người dân không ở khu tái định cư cho thấy có điều chưa ổn trong công tác tái định cư của huyện này. Ông A Niên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết: “Chỗ tái định cư mới thì hiện nó rất hẹp, cũng có nguy cơ cho nên bà con làm nhà cửa không đủ, càng ngày dân sẽ nhiều hộ, tách hộ lập vườn, tách chỗ đó rất là hẹp, rất là khó. Có chỗ làng cũ thì bà con ở lại đã trồng cây cối này kia, cây ăn quả, cây lồ ô trong làng, với lại nguồn nước có, bà con chịu khó ở lại đó”.
Những khu tái định cư được Nhà nước đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí không nhỏ nhằm mục đích giúp người dân ở vùng có nguy cơ bị sạt lở có nơi ở ổn định. Tuy nhiên, việc người dân nhất quyết trở về làng cũ sinh sống, bỏ lại khu tái định cư hoang tàn cho thấy một phần trách nhiệm của địa phương này cần phải làm rõ.
Ngọc Chí – Huỳnh Đại