(kontumtv.vn) – Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người dân tộc thiểu sốtrên địa bàn huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) được đặc biệt quan tâm, thông qua đổi mới toàn diện giáo dục, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh và giáo viên. Nhờ đó, huyện không chỉ đảm bảo tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số ra lớp đúng độ tuổi, mà chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Năm học 2017 – 2018, Trường PTDT Bán trú Ngô Quyền, xã Đăk Ang có 13 lớp với tổng số 415 học sinh, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số. Là trường THCS duy nhất tại xã Đăk Ang nên mỗi năm học, nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động nhằm đảm bảo tất cả trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Đặc biệt, với cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên rộng rãi, nhà trường đáp ứng tốt nhu cầu ở nội trú, bán trú của trên 75% học sinh. Thầy giáo Đinh Văn Truyền, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Ngô Quyền cho biết: “Nhà trường đã thành lập Ban vận động học sinh. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn khi phát hiện có học sinh bỏ học báo cho tổ vận động. Tổ có trách nhiệm tới từng thôn, làng vận động các em quay về tại lớp. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp tốt với với chính quyền địa phương, thôn trưởng các thôn có học sinh vắng học để đến tận nhà vận động các cháu để đảm bảo chất lượng”.

Lớp học vùng sâu huyện Ngọc Hồi
Lớp học vùng sâu huyện Ngọc Hồi

Cũng như Trường PTDT Bán trú Ngô Quyền, nhờ làm tốt công tác huy động trẻ tới lớp mà Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đăk Dục đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh người dân tộc thiểu số. Với trên 90% học sinh là người Giẻ – Triêng, nhà trường xác định tăng cường dạy tiếng Việt thông qua tăng tiết, phụ đạo ban đêm, tổ chức ngoại khóa, phấn đấu 100% học sinh lớp 1 và lớp 2 thông thạo tiếng Việt. Từ đó, các em dễ dàng tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và yêu thích học tập, tích cực tham gia các chương trình cùng chơi, cùng học bằng các hình thức như giáo dục ngoài trời, cuộc thi tại trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trường chúng tôi tạo niềm tin tưởng đối với phụ huynh khi gửi gắm con vào đây. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui, rất là thân thiện, môi trường học tập thì thật là tốt, nhất là tình thương giữa cô giáo và học sinh. Đa số giáo viên của nhà trường là giáo viên trẻ, đảm bảo công tác giáo dục, có sự sáng tạo, đổi mới và quan tâm sâu sát tới học sinh, nắm bắt được các em về tình hình và tâm lý lứa tuổi. Học sinh với cô giáo thì vừa là cô, vừa là bạn bè”.

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục Ngọc Hồi đã có nhiều nỗ lực, thực hiện đồng bộ và riêng biệt theo đặc thù từng khu dân cư các giải pháp nhằm nâng cao trình độ, nhận thức của học sinh người dân tộc thiểu số. Đến nay, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở tất cả 3 bậc học mần non, tiểu học và trung học cơ sở; tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Tỉ lệ học sinh dân tộc có học lực khá, giỏi tăng theo từng năm. Ông Vũ Việt Thắng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: “Chúng tôi trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nói chung và giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số nói riêng. Thứ hai là tăng cường vận động xã hội nhằm hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập cho các em. Chúng tôi có phong trào như học sinh từ trường thuận lợi các em có thể góp quần áo, sách giáo khoa cho vùng khó khăn. Chúng tôi tăng cường việc vận động, duy trì sĩ số học sinh. Đối với chuyên môn chúng tôi tiếp tục duy trì học 2 buổi/ ngày đối với học sinh mầm non, tiểu học. Chúng tôi lựa chọn nội dung dạy và tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số”.

Trình độ học sinh người dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện trong thời qua nhưng vẫn còn chênh lệch so với mặt bằng chung. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Giáo dục cùng các cấp chính quyền huyện Ngọc Hồi tăng cường đổi mới, giáo dục có định hướng, đặc biệt đối với học sinh người dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao dân trí, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ là người địa phương.

Hà My – Đức Thắng

                                                                                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *