(kontumtv.vn) – Trước tình hình diện tích lúa ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu, hiện nay, ngoài việc bảo vệ diện tích lúa, việc vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng các giống lúa mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào thâm canh tăng năng xuất cây lúa là một trong những giải pháp được các cấp, ngành ở Kon Tum quan tâm để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống người dân.

Là huyện vùng sâu, vùng xa, trước đây, do tập quán, thói quen canh tác, việc vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là bón phân cho cây lúa tại huyện Kon Plông gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mà mặc dù diện tích ruộng lúa tại Kon Plông tương đối nhiều, nhưng tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn thường xảy ra. Vài năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ các giống lúa mới, dần dần người dân đã nhận thức được lợi ích của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới mang lại năng xuất cao, không còn tình trạng đói giáp hạt xảy ra. Ông Đinh Tố Giỗ (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) nói: “Trước đây, ruộng tôi không bón phân, mà cái giống là giống cũ, không có năng suất. Bây giờ có kỹ thuật rồi, có khoa học Đảng, Nhà nước hướng dẫn, tôi làm có phân, có thuốc trừ sâu, năng suất so với lúa địa phương trước đây cao hơn nhiều”.

Người dân vùng sâu Kon Plông đã biết sử dụng giống mới, phân bón trong sản xuất lúa nước
Người dân vùng sâu Kon Plông đã sử dụng giống mới, phân bón trong sản xuất lúa nước

Tại huyện Đăk Hà, nơi người dân có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong thâm canh cây lúa, ngoài việc sử dụng các giống lúa mới, những năm gân đây, các cấp chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, vừa nâng cao năng suất, vừa nâng cao chất lượng gạo. Ông Lê Văn Ngữ (thôn 1a, xã Đăk La, Đăk Hà) nói: “Trước đây, gia đình sử dụng giống lúa R25, R20, năng suất thấp. Bây giờ sử dụng giống HT1, năng suất đến 7-8 tạ/ sào”.

Đặc biệt, từ việc thực hiện mối liên kết 4 nhà, thời gian qua, huyện Đăk Hà đã tích cực hợp tác với các nhà khoa học để chuyển giao quy trình sản xuất giống lúa tại địa phương, nhằm đảm bảo nguồn giống cung ứng, nhân rộng trên địa bàn. Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Bây giờ muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì không có gì khác là phải sử dụng công nghệ cao, nhất là đưa các giống lúa mới vào để thử nghiệm trên địa bàn. Vụ vừa rồi chúng tôi đã thử nghiệm các giống Lâm Sơn 1, Lâm Sơn 2, chất lượng giống này cao, năng suất cũng cao, trên 8 tấn/ ha”.

Cùng với nâng cao năng suất, chất lượng, hiện nay việc hỗ trợ, khuyến khích người dân khai hoang, cải tạo mở rộng diện ruộng lúa cũng như bảo vệ diện tích lúa hiện có đã được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Mới đây, thực hiện Nghị định 35 của Chính phủ về quản lý, sử dụng diện tích đất trồng lúa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 59, ngày 19/8/2016 về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước để bảo vệ phát triển đất trồng lúa. Đồng thời triển khai cho các địa phương rà soát, thống kê diện tích đất trồng lúa trên địa bàn để áp dụng các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35 của Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước thực trạng diện tích đất trồng lúa ngày càng thu hẹp.

Quang Mẫn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *