(kontumtv.vn) – Từ bao đời nay, nghề nuôi ong rừng lấy mật đã được đồng bào Xê Đăng ở làng Đăk Y Pay (Măng Bút, Kon Plông, Kon Tum) gìn giữ và phát huy. Chính ngành nghề truyền thống này đã giúp người dân ở đây tăng thu nhập và quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

Hành trình từ làng Đăk Y Pay đến vùng khai thác mật ong ở khu vực rừng già nơi tiếp giáp giữa huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông khá vất vả. Địa hình đồi núi, dốc cao, đường đi hiểm trở. Anh A Viên và anh A Tuyên, người nuôi ong rừng làng Đăk Y Pay cho biết: Do chưa phải vụ thu hoạch chính nên các tổ ong chưa có mật nhiều. Chuyến đi này của các anh chỉ để kiểm tra lại các tổ đã có ong trú ngụ hay chưa, đồng thời tìm kiếm những vị trí thuận lợi để làm thêm tổ ong mới cho mùa sau. Anh A Viên nói: “Đục lỗ mật ong vào tháng 1, tháng 2. Tháng 6 bà con thu hoạch. Tổ  của người nào người đó có quyền lấy, trong quá trình ong làm mật tuyệt đối nghiêm cấm không được chặt phá, chặt cây lung tung”.

Làm tổ nuôi ong rừng
Làm tổ nuôi ong rừng

Từ bé, người dân làng Đăk Y Pay đã được ông bà, bố mẹ hướng dẫn cách vào rừng tìm những hốc cây tự nhiên để làm tổ cho ong trú ngụ, đến mùa thì khai thác mật. Nhờ vậy, hơn 50 hộ dân  của làng nhà nào cũng biết làm tổ ong và biết khai thác mật ong rừng. Việc có thu hút được ong rừng đến trú ngụ để cho mật hay không phụ thuộc nhiều vào kỹ năng chọn cây, chọn vị trí và phương thức làm tổ cho ong của mỗi người. Mỗi người dân ở làng Đăk Y Pay hàng năm làm từ 30 đến 100 tổ để ong rừng đến trú ngụ và cho mật. Tuy nhiên không phải tổ ong nào cũng cho mật. Anh A Tuyên cho biết: “Thứ nhất là có nước ong không đến ở, do cây bị ướt, do vừa rồi trời lạnh, mưa kéo dài ong chết nhiều. Phải chọn cây không có nước, không bị đọng nước, chọn hướng không có gió để làm tổ ong”.

Để nuôi ong rừng lấy mật hiệu quả, đầu tiên người dân làng Đăk Y Pay phải tìm những cây rừng có sẵn những hốc cây có thể chỉnh sửa để làm tổ.  Sau đó sử dụng rìu, rựa để tạo hình cho hốc cây sạch sẽ và rộng hơn. Bước tiếp theo là làm nắp đậy hốc cây bằng gỗ rừng, dùng đất bùn trét kín những khe hở, chỉ chừa lỗ nhỏ có bắt kèo để ong thuận lợi ra vào tổ. Tùy từng vị trí hốc cây mà tổ ong được làm lớn hay nhỏ. Nếu vị trí làm tổ ong thuận lợi, chỉ sau một thời gian ngắn đàn ong sẽ đến để làm tổ, cho mật. Bình quân mỗi tổ ong cho thu hoạch khoảng 1-2 lít mật. Cá biệt  có tổ cho từ 5-6 lít mật. Anh A Viên, người dân trong làng cho biết: “Năm nhiều nhất mình làm ít thì cỡ 20 lít, anh em trong làng người nhiều nhất là 100 lít. Mật ong mình sử dụng trong gia đình, ai có nhu cầu mua thì mình bán”.      

Một trong những nguyên tắc trong nghề nuôi ong rừng lấy mật được làng Đăk Y Pay đưa vào tục lệ đó là khi làm tổ, khai thác mật ong không được chặt phá rừng, không được làm cháy rừng, không được tự ý đục cây rừng để làm tổ cho ong mà phải tận dụng những hốc cây rừng có sẵn. Tục lệ này được phát huy hơn khi dân làng được tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, được giao khoán quản lý bảo vệ trên 500 ha rừng phòng hộ. Nhờ vậy, trong nhiều năm rừng ở đây không bị xâm hại.

Nghề nuôi ong rừng truyền thống và phương thức giữ rừng của bà con làng Đăk Y Pay thật sự là nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ và phát huy.

Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *