(kontumtv.vn) – Sáng ngày 17/03, 19 đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III, năm 2022 đã có màn giới thiệu ẩm thực truyền thống và thi tài bắn nỏ, kéo co, vật tay tại Hội thi trai tài, gái đảm.

Hội thi giúp quảng bá, giới thiệu nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc trên mọi vùng miền cũng như tạo điều kiện để 19 đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau về nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam không chỉ có di sản văn hóa phi vật thể mà có những di sản văn hóa vật thể rất quý ví dụ như là ẩm thực, các hoạt động thể chất rồi trang phục, đó là những di sản rất quý. Dân tộc ta có nền ẩm thực rất phong phú. Chúng tôi tổ chức thi không phải là thi nấu mà là trình bày một mâm cỗ truyền thống. Mỗi dân tộc đều có mâm cỗ truyền thống của mình. Và thông qua Hội thi này, chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng những mâm cỗ truyền thống của từng dân tộc anh em trên địa bàn toàn quốc mình”.

Dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, các món ăn truyền thống được bày biện bắt mắt, thu hút sự tò mò, thích thú của đông đảo du khách. Nào là heo làng nướng, ếch đùm lá chuối, lá mỳ xào bông đu đủ đực, đọt chuối bóp muối é, gà nướng xa lửa. Đặc biệt không thể không kể đến món bò nướng bóp mật. Đặc sản này được ăn với loại muối chấm rất đặc biệt. Đó là muối trắng trộn với mật của con bò, sau khi bóp nhuyễn cùng với Sả và ớt cay sẽ được tao trên lửa để tạo độ sánh và màu nâu sệt. Muối có vị đắng ngọt đặc trưng, ăn với thịt bò vô cùng hợp vị. Đây đều là những món ăn có mặt trên mâm cơm cúng Yàng của người Gia Rai trong những dịp lễ hội của năm như Mừng Lúa mới, Mừng Nhà rông mới… Nghệ nhân Ksor Jưn, 35 tuổi đến từ thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều món ăn hiện nay của người Gia Rai đã có sự cải biên, cải tiến do giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, dù vậy, nét đặc sản và hương vị đậm đà của từng món ăn vẫn nguyên vẹn. “Thường thường đặc sắc nhất là món bò bóp mật. Bò bóp mật là thường thường hay có các cuộc thi, lễ hội của người J’Rai hoặc là lễ bỏ mả, người ta đập trâu, đập bò rồi lấy mật của chính những con vật đó rồi mình bóp với thịt của nó là thành món chính của người J’Rai vào lúc cúng Yàng. Hầu như gia vị của người J’Rai ở Tây Nguyên mình thì rất hạn chế, chỉ có muối và bột ngọt thôi, các món ăn ngọt là ngọt từ tự nhiên của thịt tươi của nó hoặc các gia vị tươi của nó luôn”, Nghệ nhân Ksor Jưn nói.

Đến với Hội thi trai tài, gái đảm dịp này, đoàn nghệ nhân tỉnh Tuyên Quang mang đến hương vị truyền thống trong bữa cơm sinh hoạt hàng ngày của người Dao Tiền. Đó là những món ăn hết sức quen thuộc được chế biến tỉ mỉ với màu sắc, hương vị hòa quyện tạo nên tổng thể hài hòa. Đặc biệt, các món nướng được ưa chuộng hơn cả. Từ thịt heo, thịt trâu đến các loại cá đều được người Dao Tiền khéo léo chế biến thành những món nướng đậm vị, dậy mùi, ăn khi nóng hổi càng hấp dẫn. Sau mỗi giờ lao động mệt mỏi, một bữa ăn với các món bày sẵn càng kích thích vị giác, khướu giác, thính giác, là trải nghiệm hương vị khó quên. Nghệ nhân Bàn Xuân Đông ở tỉnh Tuyên Quang nói: “Dân tộc Dao Tiền chúng tôi mang đến thứ nhất là bản sắc, thứ 2 là món ăn. Món ăn thường là thịt lợn luộc chấm rau cải, gà luộc bóp lá chanh, thịt trâu nướng, thứ 4 là thịt lợn nướng xiên có lỗ và cái bắp bi nộm rồi cá nướng. Đặc sản nhất là cá chạch, chạch bùn, chạch trấu đấy. Thì tôi mang cái bản sắc Tuyên Quang đến đây”.

Điểm thú vị của Hội thi chính là không chỉ giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách nét ẩm thực đa dạng, tinh tế của mỗi dân tộc anh em trong cả nước mà còn đem đến cái nhìn đa sắc màu về những trang phục truyền thống có tính bản sắc của từng dân tộc. Cùng với đó là mang lại niềm vui, tiếng cười trong mỗi trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của nhân dân như trò vật tay, bắn nỏ, kéo co… Giành chiến thắng chung cuộc ở trò chơi vật tay, nghệ nhân A Đới ở xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum phấn khởi nói: “Cũng rất vui, cũng bất ngờ khi được giải nhất. Em cũng có luyện tập. Ở trong làng thì thường đi làm với hay lên rẫy nên em cũng quen. Có nhiều đồng bào mình tụ họp lại một nơi thì chơi trò chơi dân gian rất là vui”.

Khép lại Hội thi trai tài, gái đảm, vẫn còn đó những ấn tượng sâu sắc về một kỳ Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa thấm đẫm tình đoàn kết và những tình cảm tốt đẹp dành cho nhau./.

Thu Trang – Công Luận

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *