(kontumtv.vn) – Trước thực trạng báo động về chất lượng rượu tự nấu, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tình trạng mất an toàn vệ sinh trong việc giết mổ gia cầm ở các chợ được phóng viên Đài PT – TH Kon Tum phản ánh trong các chương trình thời sự trước, các đơn vị quản lý nói gì về vấn đề này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.
Trước thực trạng báo động về chất lượng rượu tự nấu trên địa bàn, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: Toàn tỉnh hiện có 432 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, nhưng chưa có cơ sở nào được cấp giấy phép sản xuất rượu. Theo Thông tư 60 của Bộ Công Thương, việc cấp phép sản xuất rượu được phân cấp cho Phòng Kinh tế thành phố và Phòng Kinh tế Hạ tầng của các huyện thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa được cấp phép, đó là: Theo quy định, thủ tục cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công giống như thủ tục cho các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp, từ xác nhận kiến thức, xác nhận cơ sở đủ điều kiện, sản phẩm rượu phải đăng ký hợp quy… mới được cấp phép sản xuất. Nhưng thực tế hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công với quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo quy trình và các thủ tục cần thiết, nên chưa có hộ sản xuất rượu thủ công nào được cấp phép sản xuất, vì vậy chất lượng rượu tự nấu cũng không được kiểm soát. Ông Bùi Văn Cư, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “Thời gian qua có một số sự việc xảy ra liên quan đến vấn đề sản xuất rượu thủ công kém chất lượng. Để kiểm soát việc này, chúng tôi sẽ có văn bản chỉ đạo cho Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện công tác kiểm tra, sắp xếp, chỉnh đốn lại. Thứ hai là phối hợp và đề nghị các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân về tự bảo vệ mình trong việc sử dụng rượu, nấu rượu thủ công”.
Về thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm giết mổ gia cầm ở chợ, lãnh đạo Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh khẳng định: Thực trạng vừa buôn bán vừa giết mổ gia cầm tại chỗ ở các chợ trên địa bàn thành phố như báo chí nêu là đúng. Theo quy định của Luật Thú y năm 2015 thì việc giết mổ gia súc, gia cầm chỉ được thực hiện tại các cơ sở giết mổ theo quy hoạch của địa phương; vừa kinh doanh vừa giết mổ sẽ dẫn đến hệ lụy là thực phẩm sau khi đưa ra thị trường không đảm bảo vệ sinh thú y, mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và có khả năng làm lây lan dịch bệnh. Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum nói: “Để chấn chỉnh các hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ, đối với ngành chức năng, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban thuộc ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý; tăng cường hướng dẫn cho người tham gia các hoạt động liên quan đến giết mổ và buôn bán sản phẩm động vật biết được các quy định của pháp luật để họ chấp hành theo đúng quy định; tham mưu và phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan sớm quy hoạch và đưa vào sử dụng các cơ sở giết mổ tập trung theo đúng quy định”.
Riêng vấn đề người dân lo lắng về tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả, hiện nay, việc quản lý nguồn gốc, chất lượng các loại sản phẩm rau, củ quả trên thị trường được phân cấp nhiều đơn vị quản lý. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến người dân lo lắng. Trao đổi về vấn đề này Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, với trách nhiệm kiểm tra cơ sở trồng trọt và hoạt động sơ chế được thực hiện tại cơ sở trồng trọt, ông Nguyễn Anh Tú, Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong thời gian vừa qua, sự lo lắng của người dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phổ biến, tràn lan đó là có cơ sở. Trước tình trạng đó, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh luôn coi trọng việc đảm bảo ATTP trong khâu sản xuất cho đến lưu thông, cùng với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân một là sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, kiểm tra giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, nhất là trên cây rau. Song song với kiểm tra giám sát thì sử dụng tesx thử nhanh để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên cây rau”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 1.000 ha trồng rau, cung cấp cho thị trường toàn tỉnh. Việc quản lý, chất lượng ở khâu sản xuất Chi Cục Trồng trọt và BVTV khó có thể kiểm soát được. Và một thực tế là số lượng rau, củ, quả hàng ngày từ các địa phương khác nhập về địa bàn tỉnh Kon Tum để tiêu thụ không phải nhỏ. Nhưng đơn vị nào kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các loại sản phẩm này ở các chợ?
Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Theo Điều 5, Chương 2, của Thông tư Liên tịch số 13/2014 giữa Bộ Y tế – Bộ NN&PTNT – Bộ Công Thương về hướng dẫn phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP ghi rõ: Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trừ chợ đầu mối, đầu giá nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Do đó trách nhiệm quản lý các sản phẩm ở chợ thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương tỉnh.
Khi phóng viên trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương về vấn đề này thì nhận được câu trả lời ngược lại, việc quản lý chất lượng ATVSTP trên rau, củ, quả ở các chợ thuộc về Sở NN & PTNT.
Nỗi lo của người dân về nguồn gốc, chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm rau, củ, quả bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh là có cơ sở. Thế nhưng, đơn vị nào quản lý, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để các sản phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường. Câu hỏi này xin dành cho các đơn vị liên quan.
Ngọc Chí – Thanh Thủy