(kontumtv.vn) – Cùng với những thành tựu to lớn của ngành Công Thương Việt Nam trong chặng đường 65 năm thành lập và phát triển (14/5/1951- 14/5/2016), 25 năm qua, kể từ ngày thành lập lại tỉnh, ngành Công Thương Kon Tum đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng, giữ vững vai trò là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. 

Tuy mới đưa vào hoạt động từ cuối năm 2014, nhưng nhờ đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, quan tâm đến chất lượng sản phẩm, xử lý tốt vấn đề môi trường và đặc biệt là áp dụng chính sách thu mua nguyên liệu hợp lý, Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà đã đi vào hoạt động ổn định, với sản lượng tinh bột chế biến đạt trên 50.000 tấn/năm, mang lại giá trị sản xuất và nguồn thu ngân sách tương đối khá cho địa phương. Ông Trần Minh Thường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà nói: “Nhà máy  mới thành lập, nhưng hoạt động cũng ổn định, đầu vô của nguyên liệu và sản xuất cũng đều đặn. Định hướng trong năm nay có thể nâng sản lượng lên khoảng từ 10- 15%”.

Nhờ có điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu, sự quan tâm khuyến khích phát triển của các cấp chính quyền và ngành Công Thương, những năm gần đây, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh. Từ chỗ sản xuất chủ yếu bằng thủ công, nhỏ lẻ ở khu vực thị xã, với một vài sản phẩm như đồ gỗ, gạch ngói, mía đường, mành trúc trong những năm đầu thành lập lại tỉnh, đến nay ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã phát triển hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất với nhiều sản phẩm, ngành hàng như đường kính trắng, cao su, cà phê, tinh bột sắn, các sản phẩm đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, vật liệu xây dựng, gạch ngói tuy-nel, nhà máy thủy điện, sản phẩm cồn sinh học Ethanol, quặng sắt, rượu vang sim và nhiều sản phẩm khác… góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho tỉnh. Riêng trong năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tính theo giá hiện hành đạt trên 5.110 tỷ đồng.

Khai thác vật liệu xây dựng
Khai thác vật liệu xây dựng

Cùng với sản xuất công nghiệp, lĩnh vực thương mai, dịch vụ đã phát triển khá nhanh. Từ chỗ chỉ phục vụ các mặt hàng chính sách muối I ốt, dầu hỏa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa trong những năm đầu thành lập tỉnh, đến nay hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở tỉnh và các cửa hàng, chợ huyện, chợ xã phát triển tương đối mạnh, với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường trong năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển mở rộng hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh doanh và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Công ty Điện lực Kon Tum, Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum.

Cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, trong quá trình hoạt động, ngành Công Thương luôn quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; tích cực triển khai các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung nói: “Từ khi HTX sản xuất chế biến ra sản phẩm cà phê lấy thương hiệu Cà phê đặc biệt Sáu Nhung cũng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền, rồi bên Sở Công Thương giúp đỡ, thúc đẩy giao lưu, bán hàng giới thiệu sản phẩm, kết nối các chuỗi, kết nối các đơn vị, các khu vực để giới thiệu quảng bá sản phẩm của HTX được nhanh chóng mở rộng ra thị trường”.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát huy vài trò quản lý nhà nước trong bình ổn giá cả thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai có hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, được các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “ Ngành Công Thương đã chủ động xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết XV giai đoạn 2016 – 2020 với định hướng phát triển lớn, đó là tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là việc đẩy mạnh việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, tiềm năng của địa phương. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu, tăng cường năng lực cạnh tranh của các mặt hàng”.

Phát huy truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam trong 65 năm qua, hiện nay ngành Công Thương Kon Tum đang tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, quyết tâm duy trì chỉ số tăng trưởng công nghiệp bình quân tăng trên 12%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 20%/năm, giá trị xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm trong giai đoạn 2016- 2020; tiếp tục đưa ngành Công Thương của tỉnh ngày một phát triển, hội nhập với khu vực và quốc tế.

                                                                               Quang Mẫn – Duy Phong

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *