(kontumtv.vn) – Từ năm 2016 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản ổn định, các dịch bệnh nguy hiểm không bùng phát và lây lan ra diện rộng. Có được kết quả này là nhờ Chi cục Thú y tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống cũng như dập dịch khi mới phát sinh.

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 với hơn 3.000 con gà, vịt bị tiêu hủy;  xảy ra 02 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc với 27 con bò mắc bệnh. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay có 4 ổ dịch lở mồm long móng với hơn 42 con trâu bò mắc bệnh. Các ổ dịch luôn được khống chế, dập tắt kịp thời; 100% gia súc được điều trị khỏi bệnh. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Thú y tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum nói: “ Chi cục đã tập huấn các lớp chuyên môn cho mạng lưới thú y cơ sở nắm vững về các yếu tố kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thứ hai là tổ chức các đợt khử trùng tiêu độc theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở cơ sở để báo cáo kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan ra địa bàn”.

Phòng chống dịch cho gia cầm
Phòng chống dịch cho gia cầm

Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, ngành Thú y đã góp phần rất lớn trong việc phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. So với cùng kỳ năm 2016, thời điểm hiện nay, ngoài đàn heo giảm do giá heo hơi giảm sâu, còn lại đàn trâu, đàn bò và đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đều tăng lên. Trong đó, đàn bò ước tính có gần 70.000 con, tăng gần 10%; đàn trâu ước tính hơn 22.800 con, tăng gần 0,2%; đàn gia cầm hơn 1.000.000 con, tăng gần 22%. Tuy nhiên hiện nay, ngành Thú y cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là khó khăn về lực lượng. Ông Đoàn Thanh Mai cho biết: “Lực lượng hiện nay rất mỏng, một số cán bộ công chức đến tuổi phải nghỉ hưu, số lượng nghỉ hưu rất nhiều cho nên số lượng biên chế của tất cả các trạm giảm chỉ còn từ 2 đến 3 người, nên công tác phòng chống dịch bệnh khó khăn”.

Ngành Thú y tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn về nhân lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên về lâu dài  thì khó khăn này sẽ là rào cản lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở địa phương.

Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *