(kontumtv.vn) – Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận gần 53.530 ca mắc tay – chân – miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Kon Tum, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 100 ca mắc. Nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc tay – chân – miệng trên địa bàn, ngành Y tế  đang chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Thống kê của ngành Y tế tỉnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận gần 100 ca mắc tay – chân – miệng. Trong đó, huyện Đăk Glei có số ca mắc nhiều nhất với 51 trường hợp; các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Sa Thầy có từ 01 – 02 bệnh nhân; không có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tay – chân – miệng năm nay của tỉnh Kon Tum giảm hơn 160 ca. Để hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống bệnh tay – chân – miệng trên địa bàn, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

Khám và điều trị bệnh tay - chân - miệng
Khám và điều trị bệnh tay – chân – miệng

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay tình hình dịch bệnh tay – chân – miệng diễn biến khá phức tạp tại các địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận gần 100 ca mắc bệnh đến thời điểm hiện nay. Nhân đây bác sĩ có thể cho biết ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh các giải pháp như thế nào nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh trong cộng đồng?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Trước tình hình ghi nhận một số ca mắc tay – chân – miệng thì để hạn chế dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai một số giải pháp như chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các trạm Y tế xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện,  xử lý nghiêm các cán bộ y tế lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát dịch bệnh. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền phòng chống bệnh tay – chân – miệng như truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, truyền thông gián tiếp qua xe loa, qua hệ thống công cộng; phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh tay – chân – miệng trong trường học.  Ngành Y tế cũng đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát và phòng chống bệnh tay – chân – miệng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện trên địa bàn tỉnh”.

PV: Bác sĩ có đưa ra một vài khuyến cáo gì cho người dân để hạn chế tình trạng con em mình mắc tay – chân – miệng?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Ngành Y tế có một số khuyến cáo để người dân biết trong cách phòng chống bệnh tay – chân – miệng, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn lẫn trẻ em. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *