(kontumtv.vn) – Học sinh lựa chọn vào ngành sư phạm ít hoặc nguồn tuyển sinh vào ngành này kém sẽ là nguyên nhân đe dọa chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh.

Quách Mạt Nhược – một học giả nổi tiếng người Trung Quốc khi nói về nghề giáo đã từng ca ngợi: “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời”. Câu nói đã khẳng định vị trí, vai trò của người thầy trong sự phát triển của mọi thời đại.

Khẳng định vị trí xã hội của nghề dạy học, Nhà giáo dục học Tiệp Khắc vĩ đại Comenski đã viết: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Nghề dạy học được ví như những “kỹ sư tâm hồn” – nghề luôn được xã hội tôn vinh và gửi gắm cả thế hệ tương lai. Người thầy là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang trên vai mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức… cho các thế hệ mai sau.

nghe giao va suy tu ve viec chon lua nghe "cao quy"  hinh 0
Học sinh tặng hoa các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Ở Việt Nam, từ thuở xa xưa, cha ông ta đã coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh của đất nước. Người thầy, cô giáo từ xưa đến nay đã là một biểu tượng của tri thức, trí tuệ, tài năng và là nhân tố quyết định sự phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Người thầy quan trọng là vậy nhưng thật đáng buồn là hiện nay, số người chọn nghề dạy học đang có xu hướng giảm. Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đối với giáo viên tại một số tỉnh, thành cho thấy kết quả bất ngờ là có tới 50% giáo viên các cấp trả lời rằng, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề Sư phạm.

Năm 1996-1997 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành Sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ. Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, nếu thí sinh nào muốn vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thì phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của thí sinh thi sư phạm trong cả nước đang có xu hướng giảm dần, có trường phải lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và phải tuyển thêm mới đủ chỉ tiêu. Không chỉ số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường sư phạm giảm sút mà chất lượng đầu vào cũng đang ở mức báo động “đỏ”.

Câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” dường như đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, sinh viên. Điều quan trọng là, số lượng cũng như chất lượng học sinh đăng ký vào ngành Sư phạm sẽ tác động lớn đến đội ngũ giáo viên và nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.

Hiện nay, số lượng sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm ngày càng ít đi. Sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng nghề chiếm tới 70%. Có một thời gian dài, đất nước đã tuyển sinh được lượng lớn thí sinh đỗ đạt điểm cao vào các trường sư phạm và tuyển dụng được khá nhiều giáo viên giỏi vào giảng dạy tại các trường học. Đó là kết quả của việc ngành Giáo dục có chính sách sinh viên đỗ vào các trường sư phạm thì không phải đóng học phí và ra trường được phân bổ công việc.

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp 4-5 năm vẫn không tìm được việc làm. Nhiều sinh viên tâm sự là muốn xin được dạy học ở một trường Hà Nội hay các thành phố khác thì phải mất đến hàng trăm triệu đồng “chạy chọt”. Có sinh viên gia đình khó khăn, không đủ tiền “chạy” nên đành gác lại giấc mơ đứng trên bục giảng và chuyển sang làm trái ngành nghề.

Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khoa Ngoại ngữ ĐH Sư phạm thì lại tìm cách xoay sở để chuyển công việc khác như phiên dịch hoặc làm cho các Đại sứ quán, tổ chức phi Chính phủ, công ty liên doanh với nước ngoài với mức lương hàng nghìn USD.

Thiếu giáo viên giỏi: Mục tiêu đổi mới giáo dục khó khả thi

Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm thì tại các vùng, miền khó khăn lại rất cần giáo viên giỏi. Hiện nay, giáo viên ở các vùng miền có sự chênh lệch lớn. Số giáo viên ở thành phố nhiều nhưng các vùng, miền khó khăn thì rất thiếu giáo viên dạy giỏi.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những chính sách khuyến khích và trả lương phụ cấp cho giáo viên dạy ở các vùng khó khăn nhưng theo đánh giá của nhiều người, sự hỗ trợ vẫn chưa đủ hấp dẫn họ. Bởi vì ngoài lương và phụ cấp ra, nhiều giáo viên e ngại về điều kiện sống còn thiếu thốn, khó khăn, địa hình ở một số nơi rất hiểm trở, xa xôi nên họ chưa tự nguyện đến đây. Có những sinh viên nữ tâm sự, giảng dạy ở những vùng khó khăn sẽ ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên khó lập gia đình khi tuổi xuân qua nhanh.

Hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên giảng dạy trải dài khắp các tỉnh, thành, vùng miền nhưng số lượng giáo viên có trình độ, yêu nghề, sẵn sàng bám trường, bám lớp trong bất kỳ hoàn cảnh nào không được như những năm trước. Nhiều giáo viên chỉ dạy ở những vùng miền được một thời gian rồi sau đó lại tìm cách chuyển về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn.

Một trong những lý do chính quyết định đến việc thu hút sinh viên theo ngành sư phạm là hiện nay, mức lương của giáo viên còn thấp. Nếu một sinh viên tốt nghiệp vào giảng dạy tại một trường học, sau khi trừ chi phí bảo hiểm xã hội thì tiền lương chỉ còn khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Mức lương này quá thấp để họ có thể sinh sống, bám trụ với nghề.

Cách đây 17 năm, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chỉ đạo, lương của giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương các ngành sự nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, lương của giáo viên đang xếp thứ 14 trong bảng lương các ngành sự nghiệp.

Mức lương thấp cộng với tìm kiếm việc làm khó khăn đã ảnh hưởng tới việc thu hút học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm. Điều đáng báo động là khoảng vài năm trước, còn có chút ít học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào sư phạm nhưng trong nhiều năm trở lại đây, đến học sinh có học lực trung bình cũng không muốn đăng ký theo ngành này.

Trong khi học sinh đăng ký thi vào các trường sư phạm ít thì mới đây, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ Dự thảo về mức trần học phí mới đối với các trường đại học, có nhiều ý kiến đưa ra là nên bỏ quy định miễn thu học phí đối với học sinh thi vào trường sư phạm. Mặc dù mới chỉ là ý kiến nhưng có thể điều đó sẽ khiến cho học sinh đăng ký vào học ngành Sư phạm ít hơn nhiều so với hiện nay.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn là không thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm và thiếu giáo viên giỏi giảng dạy ở các địa phương (kể cả những thành phố lớn) cũng như đội ngũ giáo viên giỏi trong tương lai. Khi học sinh đăng ký vào ngành hoặc trường sư phạm ít hoặc nguồn tuyển “đầu vào” không đảm bảo thì chắc chắn chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai sẽ bị “đe dọa”. Như vậy, việc chấn hưng giáo dục, mục tiêu đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục sẽ khó khả thi.

Tinh thần của Nghị quyết 29 NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh đến đổi mới chất lượng nguồn lực giáo viên. Vẫn biết rằng, đất nước ta còn nghèo, ngân sách Nhà nước không chỉ dành riêng cho giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nếu như Chính phủ, Quốc hội không có những giải pháp đổi mới quyết liệt và đồng bộ trong công tác tuyển sinh, tạo việc làm, lương bổng và chiến lược đào tạo nguồn lực cũng như thu hút những người giỏi nhất vào ngành sư phạm thì trong tương lai, chúng ta sẽ không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước và hội nhập với thế giới cũng như khẳng định vị thế của một nước vững mạnh./.

Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *