(kontumtv.vn) – Để tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh, mới đây tỉnh Kon Tum có 43 nghệ nhân có thành tích xuất sắc đã được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong đợt I. Đây không chỉ là vinh dự cho các nghệ nhân, mà còn là niềm tự hào của tỉnh. Tiếp tục phát huy vai trò của nghệ nhân ưu tú – những hạt nhân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân dộc đang là vấn đề đặt ra đối với các cấp, ngành trong tỉnh.

Tràn ngập niềm vui, đầy xúc động, tự hào. Đó là biểu cảm không thể giấu được trên gương mặt của các nghệ nhân tại Lễ Tôn vinh, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 43 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh trong Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ III năm 2016 của tỉnh vừa qua. Đây cũng là niềm vinh dự, là động lực để tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy trong công cuộc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong thời gian tới. Nghệ nhân ưu tú A Tía (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) xúc động: “Được Đảng, Nhà nước tặng cho danh hiệu nghệ nhân, chúng tôi rất vinh dự. Sau này sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu để giữ lại truyền thống văn hóa của cha ông”.

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Càng vinh dự, tự hào, nghệ nhân ưu tú A Thăk (thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đã nhận thức được trách nhiệm của mình, tích cực hơn trong việc trao truyền vốn văn hóa của mình đã tích lũy được cho thế hệ trẻ, tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho con cháu trong làng.  Anh A Xay (làng Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) nói: “Bố Thăk rất giỏi về nghệ thuật nhạc cụ dân tộc, truyền thống của dân tộc Ba Na Rơ Ngao. Em ghi nhớ những gì bố Thăk đã dạy cho em. Em học để tiếp nối truyền thống của bố Thăk, muốn giỏi như bố Thăk”.

Có thể nói, các nghệ nhân trong tỉnh nói chung và nghệ nhân ưu tú nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình, tích cực đóng góp cho sự phát triển văn hóa ở cộng đồng đang được các cấp, ngành quan tâm. Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Kon Tum cho biết: “Là những người tham mưu cho UBND tỉnh, Sở đã triển khai cho các nghệ nhân được tiếp tục tham gia vào các chương trình liên hoan nghệ thuật dân gian cũng như tổ chức các hoạt động về văn hóa cồng chiêng, rồi truyền dạy các ngành nghề thủ công. Chính các nghệ nhân ưu tú này, với sự đam mê của mình, họ đã tham gia rất tích cực trong việc tổ chức các hoạt động ở địa phương cũng như tham gia  các lớp truyền dạy lại vốn văn hóa dân gian cho con em họ”.

Tuy có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa trong cộng đồng, nhưng nhìn chung, phần lớn đời sống của các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu các điều kiện để sưu tầm, gìn giữ, truyền dạy những cái hay, cái đẹp, cái văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu quan tâm, chưa chú trọng đến việc rà soát làm các thủ tục để đề nghị Chủ tịch nước công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nên đến nay vẫn còn nhiều nghệ nhân trong tỉnh có thành tích xuất sắc, đủ điều kiện nhưng chưa được công nhận nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân dân gian nói chung và nghệ nhân ưu tú nói riêng là tài sản quý giá của mỗi địa phương, là những người có sự đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tôn vinh, ghi nhận những thành tích, tạo điều kiện khuyến khích để các nghệ nhân yên tâm phát huy tài năng, tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ là một trong những việc làm cần được các cấp, ngành quan tâm hơn trong sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh.

     Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *