(kontumtv.vn) – Mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh những ông đồ viết chữ thư pháp gợi nhớ đến cái tết truyền thống từ xa xưa của cha ông ta. Tết cổ truyền ngày nay đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn những người luôn tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật thư pháp độc đáo và giàu tính nhân văn.

Dưới bàn tay điêu luyện, thuần thục của anh Trần Xuân Việt (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum), những dòng thư pháp hiện ra  mềm mại và uyển chuyển, chứa đựng ước vọng về một năm mới bình anh, hạnh phúc, phát tài, an khang, thịnh vượng. Anh Việt chia sẻ: “Lúc ban đầu cũng chỉ tập cho vui, càng về sau mình thấy nghệ thuật này nó rất giá trị. Trong cuộc sống hiện tại bây giờ thì bộ môn thư pháp này không còn phát triển nữa, giới trẻ thì hầu như đã quên bộ môn này rồi, nhưng thực chất ra thì người Việt Nam mình có truyền thống yêu chữ, rất tôn trọng chữ nghĩa. Khi viết những con chữ thì chúng ta thả hồn vào trong đó, bộ môn thư pháp này rất có ích cho giới trẻ hiện tại bây giờ, rèn được đức tính kiên nhẫn, hiếu thuận trong cuộc sống của mình bây giờ”.

Ông đồ ngày nay
Ông đồ ngày nay

Anh Trần Xuân Việt cho biết, năm 17 tuổi, anh đã có niềm đam mê lớn dành cho thư pháp. Anh tự tìm tòi, rèn luyện và hỏi hỏi các bậc tiền bối  để nâng tầm của nghệ thuật thư pháp. Đến nay, anh đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm thư pháp đặc sắc, được nhiều người yêu chữ đón nhận. Anh Việt nói: “Ngày xưa thư pháp chúng ta truyền thống chỉ viết trên giấy đỏ, mực tàu. Còn ngày nay thì chúng ta có thể thay đổi hơn một tí là vẽ trên giấy xuyến cổ, giấy gió và kể cả một số vải trong hội họa thì chúng ta có thể viết thư pháp được. Thư pháp thì chúng ta thể hiện trên tất cả các vật dụng trong cuộc sống, ví dụ như ở đây có dưa hấu thì chúng ta có thể viết lên được, những chậu hoa, những cái gì chúng ta trưng bày cho có ý nghĩa thì chúng ta đều có thể viết lên được”.

Không chỉ  thể hiện  mong muốn trong năm mới, các tác phẩm thư pháp còn mang tính giáo dục nhiều đức tính tốt đẹp, hướng thiện cho mỗi người. Anh Việt nói: “Như đây là tác phẩm chữ Nhẫn. Nói sơ bộ về chữ Nhẫn này thì người viết sẽ viết bố cục của nó là một chữ lớn, kèm theo chữ đại tự là những chữ tiểu tự, có những câu thơ triết lý về cuộc sống hoặc dặn dò, nhắc nhở điều gì đó. Như tác phẩm này là:

Nhẫn một chút, sóng yên, gió lặng.

Lùi một bước, biển rộng, trời cao.

Câu nói này nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống nên nhẫn nhịn để cho cuộc sống của mình không sóng gió hoặc có những trắc trở xảy ra khi nóng giận. Lùi một bước biển rộng trời cao có nghĩa là chúng ta nhường nhịn một người khác không phải là chúng ta thua người ta, mà là chúng ta nhường nhịn để đường tương lai chúng ta rộng mở hơn, không cố kẻ thù nhiều. Ý nghĩa câu này là như vậy. Câu này có thể áp dụng cho cả giới trẻ lẫn người già, đặc biệt là những thương nhân”.

Đối với một số gia đình, xin chữ đầu năm đã trở thành thói quen không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc ta, góp phần mang đến không khí đón tết cổ truyền thêm vui tươi và phấn khởi.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *