(kontumtv.vn) – “Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng ta” – Đó là phương châm sống của hầu hết những người khuyết tật. Chính bằng nghị lực phi thường, anh Lý Thái Sơn, anh Nguyễn Trường Dũng, những nhân vật được nhắc đến trong phóng sự sau đây đã vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Năm 1985, cậu bé Lý Thái Sơn chào đời, bình thường như bao đứa trẻ khác tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Năm 3 tuổi, sau một tai nạn bỏng, toàn bộ phần thân thể bên phải của Sơn hầu như không thể phục hồi.

Trở thành người khuyết tật, nhưng Sơn không trốn mình trong vỏ ốc mặc cảm. Anh dần tập làm mọi thứ bằng tay và chân trái, sống với niềm đam mê tìm hiểu về máy móc. Năm tháng qua đi, cậu bé Sơn ngày nào đã trưởng thành. Và hạnh phúc mỉm cười với cậu khi cô bé Y Hem vì cảm phục nghị lực sống, đã vượt qua những dị nghị, qua sự ngăn cản của gia đình để cùng Lý Thái Sơn dựng xây một mái ấm. Y Hem tâm sự: “Em thấy thương anh, ưng anh. Bố mẹ em không đồng ý nhưng em quyết tâm em lấy anh làm chồng. Em không nghĩ gì hết, vợ chồng lấy nhau hạnh phúc là được rồi, không có nghĩ gì hết.

Hạnh phúc nhân lên khi Y Hem mang thai đứa con đầu tiên vào năm 2008. Nhưng gánh nặng mưu sinh, trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình với vợ, với con, khiến Sơn trăn trở. Sẵn với niềm đam mê máy móc, Sơn quyết định đi học sửa chữa điện thoại di động. Nhưng hành trình đi học của Sơn cũng hết sức gian nan, hầu hết những chủ tiệm đều nhìn Sơn với ánh mắt ái ngại. Sơn nhớ lại: “Mới có vợ xong, rồi có 1 cháu nhỏ, hai vợ chồng muốn có tiền nuôi con. Hồi xưa em sửa điện tử trong làng, giờ thấy điện tử đang phát triển, em cũng cố gắng quyết tâm đi học nghề. Đi xin học việc cũng nhiều chỗ, khó khăn lắm, xong rồi có 1 anh dưới Kon Tum nhận. Anh cho học thử, cuối cùng học được, anh giữ lại làm 1 năm, sau rồi về mở tiệm, làm miết tới bây giờ”.

Anh Lý Thái Sơn
Anh Lý Thái Sơn

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Lý Thái Sơn đã gầy dựng được một tiệm sửa chữa điện thoại nho nhỏ tại thôn 6, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô. Những ngày tháng tư này, mặc nắng nóng, Sơn vẫn miệt mài giữa những ngổn ngang linh kiện, máy móc. Anh cho biết, sau gần 10 năm làm nghề, với số tiền dành dụm được anh đã mua được gần 1ha cà phê và 2 ha mì. Không chỉ đảm bảo cho các con ăn học, Sơn còn ấp ủ dự định mở rộng cơ sở sửa chữa kinh doanh điện thoại.

Người ta bảo niềm hạnh phúc thường giống nhau, nhưng bất hạnh, khổ đau lại chẳng ai giống ai. Cách đây tròn 15 năm, anh Nguyễn Trường Dũng (tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) là trụ cột trong gia đình. Nhưng sau một tai nạn xe máy, anh dần mất đi thị lực. Ròng rã 5 năm trời, anh ra Bắc vào Nam tìm cách chữa trị. Đến cuối năm 2006, ánh sáng cuối cùng trong mắt anh lịm tắt. Cuộc sống gần như xáo trộn hoàn toàn, mọi sinh hoạt anh đều phải dựa vào người vợ bé nhỏ.

Thế rồi bằng sự cố gắng của mình, anh đã tự làm từ những công việc nhỏ nhất để phục vụ bản thân. Không còn nhìn thấy được những gì xung quanh, anh Dũng không thể chở vợ chạy chợ hàng ngày, nên vợ chồng đã mở quán cà phê trên đường Nguyễn Viết Xuân (thành phố Kon Tum).

Và tại đây, anh Dũng dần làm quen với việc rửa ly, phụ vợ bán cà phê. Công việc buôn bán thuận lợi, khó khăn vất vả dần qua đi. Anh trải lòng về những ngày gian khổ: “Một người phụ nữ nào ưng một người chồng cũng muốn dựa vô chồng những lúc mưa gió, ốm đau. Không may mình bị như vầy, mình rất buồn. Vợ thì ốm yếu, lúc đó 2 đứa con còn dại. Nếu mình thiếu suy nghĩ, mình buồn chán, rượu chè thì sẽ không dạy bảo được cho con, gia đình sẽ xáo trộn, con cái nó không ngoan, sau này nó sẽ khổ”.

Những người như anh Lý Thái Sơn, anh Nguyễn Trường Dũng, họ là những tấm gương tiêu biểu của nghị lực sống, họ tàn nhưng không phế. Và trên đường đời còn nhiều nỗi gian truân, hành trang mà họ luôn mang theo là lòng kiên nhẫn và sự phấn đấu không ngừng nghỉ.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *