Nghị quyết mới của Chính phủ phù hợp với những khuyến nghị ở cấp độ toàn cầu
15.04.2020(kontumtv.vn) – Các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.
Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee |
Ngày 14/4, trao đổi với báo chí về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với vấn đề lao động và việc làm của Việt Nam, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee cho rằng, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19. Bao gồm: Kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.
Báo cáo nhanh mới đây của ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới trong đại dịch COVID-19. Vậy tình hình của Việt Nam được dự báo như thế nào, thưa ông?
Ông Chang Hee Lee: Tôi cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 gây nên đối với DN và việc làm. Chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả cuộc Điều tra Lao động việc làm và doanh nghiệp (DN) do Tổng cục Thống kê đang thực hiện với sự hỗ trợ của ILO.
Cũng đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát. Chẳng hạn như Bộ KH&ĐT dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hay khảo sát của VCCI cho biết 50% các DN tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây nên không được cải thiện. Nhưng hãy đợi đến khi kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê được công bố để có một bức tranh chính xác về hoạt động của DN và tình trạng mất việc làm.
Báo cáo mới nhất của ILO cho thấy, khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí đangđối mặt với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức gần 41% tổng số việc làm của Việt Nam.
Bốn lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam). Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.
Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thương mại toàn cầu. Liệu nền kinh tế và thị trường lao động của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác không, thưa ông?
Ông Chang Hee Lee: Theo WTO, khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến sẽ giảm từ 13-32%. Số liệu báo cáo về thương mại quý I của Việt Nam không quá tệ, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 2% và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD. Nhưng đến cuối tháng 4 này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 đối với thương mại và đầu tư.
Những dấu hiệu cho thấy tình hình trong quý II sẽ tệ hơn nhiều, chẳng hạn như, không còn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Cùng với đó nhu cầu hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu giảm mạnh do hầu hết các nước đối tác thương mại đều đang áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Cuộc khủng hoảng y tế-kinh tế toàn cầu đang diễn ra này nghiêm trọng ở chỗ nó tác động đến cả phía cung và cầu. Biện pháp phong tỏa được áp dụng rộng khắp ảnh hưởng nặng nề đến phía cung do nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và đối với phía cầu do người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và châu Âu phải ở nhà. Vấn đề là Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng cả DN và người lao động tại Việt Nam sẽ cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc hơn nhiều những tác động của một nền thương mại toàn cầu đang bị thu hẹp lại.
Khi thiết kế các chiến lược phát triển hậu COVID-19, Chính phủ Việt Nam có thể phải tính đến cách làm thế nào để các chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn và làm thế nào để mở rộng các thị trường tiêu dùng trong nước; làm thế nào để hỗ trợ các ngành công nghiệp dịch vụ trong nước và tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam theo hướng linh hoạt hơn và có sức chống chịu cao hơn. Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ mang đến cơ hội lớn, đặc biệt là cho công cuộc phục hồi nhanh hơn sau đại dịch COVID-19.
Ông có khuyến nghị gì về việc hỗ trợ DN và người lao động trong đại dịch COVID-19?
Ông Chang Hee Lee: Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác mức độ khủng hoảng việc làm do chưa có kết quả điều tra lao động việc làm mới nhất tại thời điểm này. Nhưng chắc chắn là chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn, mà tất cả mọi thành phần, không chỉ có Chính phủ, mà cả DN, công đoàn và người lao động… phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do khủng hoảng gây nên.
Theo đánh giá của chúng tôi, các DN khác nhau sẽ có những khó khăn khác nhau. Có những DN không thể tồn tại được do năng suất và khả năng cạnh tranh thấp dù có xảy ra khủng hoảng do COVID-19 hay không. Nhưng cũng có những DN khỏe mạnh trong điều kiện bình thường và có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ khi khủng hoảng do COVID-19 tăng đỉnh điểm.
Điều đó có nghĩa là hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới các DN có triển vọng tích cực do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo nhưng phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời. Chính phủ nên đưa các DN này vào diện đối tượng mục tiêu của các gói hỗ trợ.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các DN nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động. Làm như vậy sẽ khuyến khích DN nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất của người lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu COVID-19.
Về khía cạnh này, tôi tin rằng điều quan trọng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI cần phối hợp với nhau cùng ban hành hướng dẫn cho người sử dụng lao động và công đoàn trong việc quản lý khủng hoảng việc làm. ILO sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến như vậy.
Theo ông, những nhóm đối tượng nào trong thị trường lao động Việt Nam được xét là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay?
Ông Chang Hee Lee: Các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.
Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế.
Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. Như tôi đã đề cập, 4 lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống; sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ; bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%.
Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số 2 triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình). Chính vì vậy, rất cần thiết phải đảm bảo cách có tính đến yếu tố giới trong các phản ứng chính sách.
Thêm vào đó, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng, dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người.
Ông có đưa ra lời khuyên nào về một khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch không, thưa ông?
Ông Chang Hee Lee: Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập. Tôi tin rằng gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 bao gồm: Kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.
Tôi có 3 điểm muốn nhấn mạnh.
Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, DN nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc – điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.
Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Chẳng hạn như việc đổi ca hàng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Làm như vậy cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm.
Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa DN và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay, chẳng hạn như những gì Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng vừa thực hiện.
Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp- nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ.
Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu DN siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp-nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ ba, như tôi đã nói, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.
Xin cảm ơn ông!
Thu Cúc/Chinhphu.vn