Quốc hội dành thời gian cả ngày 27/5 để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 (kèm theo trình chiếu video) và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.
Các ý kiến đều khẳng định, nội dung được lựa chọn giám sát ở cấp cao nhất đã “trúng” và “đúng”, lần đầu tiên quản lý đất đai được soi rọi toàn diện, sâu sắc.
Có thể nói, kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng được tập trung xây dựng và hoàn thiện. Đây là nhân tố quyết định tạo lập môi trường pháp lý để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH nói chung và phát triển đô thị nói riêng và cũng là công cụ để kiểm soát quá trình phát triển, bảo đảm hiệu quả và bền vững.
Công tác quy hoạch liên quan đến sử dụng đất tại đô thị được đẩy mạnh; đầu tư xây dựng phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả, từ đó đã thúc đẩy sự phát triển hệ thống đô thị của cả nước. Cả nước hiện có 828 đô thị, tỉ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đạt 38% năm 2018, bình quân trên 1%/năm, riêng Hà Nội, TPHCM đạt trên 3%/năm.
Cùng với đó, hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại; tạo ra nhiều khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng, nhiều công trình tầm vóc. Đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển KT-XH.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Nhiều ý kiến có lý có tình của người
dân chưa được quan tâm |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì qua giám sát, những bất cập sai phạm ở mọi góc ngách trong công tác quản lý nhà nước về đất đai đã hiện lên một bức tranh với tất cả sắc thái và mức độ khác nhau, và nói như một đại biểu là thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này.
Dù được xác định là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, tuy nhiên, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.
Trước hết là góc độ quy hoạch. Con số 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 – 6 lần, mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng… khiến nhiều người băn khoăn liệu quy hoạch có bị bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư.
Dẫu biết điều chỉnh là một nội dung quan trọng của quy hoạch và quá trình thực hiện quy hoạch, nhưng thực tế việc điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng cũng như dẫn đến nhiều hệ luỵ khác.
Câu chuyện quy hoạch treo lại tiếp tục được nhắc tới và thậm chí báo cáo còn chỉ rõ có địa phương tồn tại một quy hoạch treo khoảng… 30 năm, khiến quyền lợi của hàng nghìn người dân cũng bị “treo” theo mà thiếu chính sách sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
“Cử tri hỏi, quy hoạch dự án đã kéo dài nhiều năm như vậy, khi nào thực hiện? Đất đai của chúng tôi được cấp giấy hẳn hoi nhưng không làm gì được, thử hỏi đặt nhà nước, chính quyền là gia đình tôi, thì làm sao? Rất khó!” – câu chuyện mà đại biểu chia sẻ chắc chưa thể có ngay câu trả lời.
Công khai, minh bạch luôn là yêu cầu, công cụ quan trọng trong quản lý đất đai nói chung và là trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đặt ra thực tế cần suy ngẫm là nhiều tỷ phú về đất “ôm” đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị, thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời. Sự thiếu công khai, minh bạch khiến cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước, sân sau…
Và còn nhiều vấn đề khác đòi hỏi cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường.
Nguyên nhân thì có nhiều và đã được Đoàn giám sát chỉ rõ. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM), một nguyên nhân rất căn bản đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến các hạn chế, tồn tại trong thời gian qua đó là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quản lý sử dụng đất đai triển khai nhiều dự án, có những quy định, có cấp chính quyền, cơ quan và một bộ phận cán bộ công chức, viên chức và nhà đầu tư tại một số địa phương, một số dự án chưa coi trọng đúng mức đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân và của nhân dân!./.
Hiếu Minh/VOV.VN