(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống của ngành Ngoại giao Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ với báo chí về những thành tựu của ngành ngoại giao 70 năm qua, cũng như giải quyết các thách thức mới của đất nước trên phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu của ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, thành lập chính phủ lâm thời thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những văn bản đầu tiên đã đưa ra 4 trọng tâm kiến thiết, trong đó kiến thiết đầu tiên là Ngoại giao. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngoại giao. Bởi vì ngoại giao sẽ đóng góp  vào việc tạo môi trường hoà bình ổn định cho đất nước.

ngoai giao viet nam lay loi ich dan toc la cao nhat trong moi van de hinh 0
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Hoạt động ngoại giao đầu tiên dưới sự lãnh đạo trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên là việc thương lượng ký kết ra bản Hoà ước ngày 6/3/1946. Vào thời điểm cách mạng Việt Nam ngàn cân treo sợi tóc, bản hoà ước cho chúng ta thời gian để chúng ta chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài. Chính vì vậy, ngoại giao lúc đó là làm sao phải tạo đuợc thời gian hoà bình càng lâu càng tốt.

Tiếp theo, khi cuộc chiến tranh không thể ngăn cản chúng ta bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Chúng ta đã sử dụng các biện pháp ngoại giao để đàm phán kết thúc chiến tranh bằng Hiệp định Geneva 1954 lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Cũng như vậy đến năm 1973, với đàm phán Paris chấm dứt sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam. Có thể nói ngoại giao đã kiến tạo sự hoà bình độc lập cho đất nước. Và cũng từ đó cho đến khi sau 30 năm đổi mới, ngoại giao cũng đóng góp vào việc duy trì hoà bình ổn định thông qua các biện pháp xây dựng, phát triển mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Đó cũng là để tạo những yếu tố môi truờng bên ngoài thuận lợi cho chúng ta phát triển.

Qua 70 năm hình thành đất nước, đặc biệt là 30 năm đổi mới, ngoại giao phải làm sao tìm được các nguồn lực bên ngoài đóng góp để xây dựng đất nước. Thời kỳ khó khăn thì vận động viện trợ cho đất nước, thời kỳ đổi mới thì vận động bên ngoài đầu tư vào Việt Nam

PV: Ngoại giao Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có những lúc rất khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Vậy những bài học ngoại giao quan trọng rút ra sau 70 năm là gì, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Truyền thống 70 năm của ngành ngoại giao có rất nhiều bài học. Một trong những bài học quan trọng đầu tiên trong những bài học lớn mà chúng ta rút ra, đó là độc lập. Đảm bảo đường lối độc lập đảm bảo cho chúng ta giữ vững được trong quan hệ với các nước cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến các nước.

Bài học thứ 2 là lấy lợi ích dân tộc là cao nhất trong mọi vấn đề trên phương châm như Hồ Chủ tịch nêu là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến ở đây là lợi ích dân tộc, còn các hoạt động biến hoá để làm sao đạt được lợi ích dân tộc.

Bài học thứ 3 là sức mạnh. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hay nói cách khác là chúng ta vận động được quốc tế ủng hộ chúng ta. Đây là bài học xuyên suốt từ khi chúng ta thành lập nước cho đến ngày nay. Sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của chúng ta. Sự ủng hộ có được là nhờ lòng yêu chuộng hoà bình của chúng ta.

PV: Một trong những thách thức lớn của ngoại giao Việt Nam hiện nay chính là giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông. Phó Thủ tướng vừa nhắc tới những bài học lớn của ngoại giao, trong đó có phương châm Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Thưa Phó thủ tướng, ông có nghĩ rằng, bài học đó còn nguyên giá trị để xử lý ngoại giao trong vấn đề Biển Đông cũng như là nhiều thách thức khác hay không?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong vấn đề Biển Đông, phải khẳng định lập trường ta có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, có chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế 120 hải lý theo đúng luật pháp quốc tế.

Biển Đông còn là sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì là con đường huyết mạch nối giữa các khu vực, thông thương lớn, chiếm tới 50% lượng hàng hóa thế giới, hết sức liên quan đến an ninh an toàn hàng hải.

Bên cạnh vấn đề chủ quyền, tranh chấp ở Trường Sa, ta tuyên bố chủ quyền ở đó nhưng đồng thời nhiều nước cũng quản lý các đảo. Liên quan một nước, chúng ta chủ trương giải quyết song phương, liên quan tới nhiều nước, chúng ta giải quyết đa phương.

Nhưng quan điểm của ta là giải quyết phải dựa trên luật pháp quốc tế, không thể lấy vấn đề lịch sử 1.000 năm trước, mà trên cơ sở hiện hữu thời kỳ hiện đại cận đại. Cái bất biến ở đây là hòa bình ổn định cần đảm bảo. Lợi ích chủ quyền phải đảm bảo.

Cái ứng vạn biến là phải tìm biện pháp tăng cường hợp tác mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, những chỗ nào không tranh chấp, để giảm thiểu xô xát trên biển. Còn lại ta phản đối những hành động đơn phương, thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

PV: Theo Phó thủ tướng, qua 70 năm phát triển, vị thế của Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên trường quốc tế?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Sau 70 năm, có thể khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế chưa bao giờ cao như hiện nay, được các nước và trong khu vực ghi nhận. Vị thế của Việt Nam được đánh giá qua những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển đất nước, thành tựu trong việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ.

Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đánh giá cao việc chúng ta có những đóng góp vào công việc chung của thế giới, từ lúc đầu tham gia đến chủ động hội nhập, có đóng góp giải quyết không chỉ những vấn đề của chúng ta mà cả những vấn đề thế giới.

Khi chúng ta là thành viên Hội đồng Bảo An, Hội đồng  nhân quyền, thành viên ASEAN đều có những đóng góp tích cực. Ví dụ khi trong ASEAN chúng ta tham gia xây dựng Hiến chương, thực hiện các cam kết mục tiêu trong ASEAN để trở thành cộng đồng chung. Dễ thấy nước nào có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh sẽ có vai trò vị thế, tiếng nói lớn trong diễn đàn.

Nhưng có những nước tiềm lực quân sự không mạnh, không nhiều nhưng có tiếng nói, đó là vì họ có đóng góp vào công việc chung của thế giới, được các nước ghi nhận.

Qua những đóng góp ở khu vực và thế giới đã tạo vị thế của chúng ta. Đặc biệt, khi chúng ta thúc đẩy tạo quan hệ với các nước, trong đó có những nước lớn cũng ngày càng tạo vị thế cho chúng ta.

PV: Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động cũng như yêu cầu hội nhập ngày càng gia tăng, thưa Phó Thủ tướng, ngành ngoại giao cần có chiến lược phát triển như thế nào để có thể hội nhập toàn diện với thế giới?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Ngoại giao là những người đi đầu trong công tác hội nhập quốc tế. Trong đó, Ngoại giao phải đề xuất được chủ trương hội nhập lĩnh vực gì, hội nhập ở đâu, hội nhập trên cơ sở nào.

Thứ hai là ngoại giao phải có trách nhiệm đi đầu dẫn đường, phải cùng các bộ ngành địa phương tham gia vào quá trình hội nhập đó.

Thứ 3 là hội nhập phải có con người. Phải đào tạo nguồn con người để có thể hội nhập toàn diện được. Trong quá trình hội nhập chúng ta cũng phải hoàn thiện thể chế của chúng ta để đảm bảo môi trường cho hội nhập.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.

Châu Anh/VOV – Trung tâm Tin (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *