(kontumtv.vn) – Công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, là tiền đề trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, tại địa bàn phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, một số dự án, đồ án quy hoạch kéo dài nhưng chưa triển khai thực hiện đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con.

Mua đất để sinh sống và trồng cây nông nghiệp từ tháng 8/1999 đến nay, ông Đồng Huy Luyện (thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết, diện tích đất 4.700 m2 của gia đình đã được cấp giấy đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không thể sang nhượng hay thế chấp để vay vốn ngân hàng do vướng quy hoạch. Gia đình ông cũng không dám mạnh dạn đầu tư các loại cây trồng lâu năm vì sợ mất trắng công đầu tư và chăm sóc nếu Nhà nước thu hồi.

Tại khu vực thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 1, có khoảng 60 hộ dân thuộc diện quy hoạch đất làm công viên cây xanh và đất trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Xuất bức xúc cho biết, đồ án quy hoạch của Nhà nước đã có từ 10 năm nay nhưng không triển khai thực hiện, gia đình ông vì thế cũng rất lo lắng khi an cư, lập nghiệp tại đây. Ông Xuất nói: “Bìa đỏ của tôi là tôi có muốn vay tiền để con cái làm ăn, bên ngân hàng thì nói đất quy hoạch, bây giờ tôi cũng mong muốn làm sao nếu không quy hoạch làm cây xanh của thành phố thì cũng đề nghị bên chính quyền tỉnh, thành phố Kon Tum làm sao xóa bỏ được dự án treo đó, làm cho chúng tôi bìa đỏ để người dân chúng tôi vay được ngân hàng, để con cái chúng tôi làm ăn. Thứ hai là không phải đi vay xã hội đen, đi vào xã hội đen thì chúng tôi sẽ vào con đường cụt, nên cũng đề nghị với chính quyền như vậy”.

Người dân khiếu nại vì quy hoạch kéo dài
Người dân khiếu nại vì quy hoạch kéo dài

Là chủ Nông trại Nấm sạch Tây Nguyên, anh Nguyễn Trọng Hòa hiện đang kinh doanh nhiều loại nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị cao, là một trong những điểm sáng về khởi nghiệp và nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Anh Hòa cho biết, vì đất sản xuất của gia đình nằm trong vùng quy hoạch nên việc đầu tư phát triển quy mô, diện tích trồng nấm của gia đình chỉ ở mức khiêm tốn, các khu trồng nấm xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu tạm bợ, sơ sài do sợ bị thu hồi theo chủ trương của Nhà nước.

Là vùng sinh sống lâu đời của bà con dân tộc thiểu số Banar, khu vực quy hoạch làm công viên cây xanh tại thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 2, phường Trường Chinh kéo dài nhiều năm nay làm cho đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Gỡ bỏ quy hoạch là mong muốn chung của đông đảo bà con tại khu vực này. Chị Y Đạch (thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) nói: “Chị lên đây cất nhà ở xong là nghe đồn vùng đây quy hoạch hết rồi. Nói chung là khó khăn nhiều, họ kêu là đất nằm trong quy hoạch là không được làm gì hết, nếu có miếng đất nào bán thì cũng không có được, họ kêu muốn cầm sổ đỏ đi vay mượn Nhà nước cũng không có được, không cho đi vay mượn”.

Nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ và khang trang, từ năm 2004 đến nay phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum có 6 đồ án được phê duyệt, trong đó có 1 đồ án của tỉnh và 5 đồ án của thành phố. Các đồ án quy hoạch trải dài ở nhiều khu vực khác nhau, chưa triển khai thực hiện trong nhiều năm khiến tâm lý của rất nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch không khỏi lo lắng.

Trên cơ sở y kiến, kiến nghị của người dân, hiện nay, UBND thành phố Kon Tum đang tiến hành kiểm tra, rà soát các vị trí quy hoạch, làm cơ sở để đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Theo đó, phường Trường Chinh có 10/ 22 vị trí được rà soát lại hiện trạng để đề nghị điều chỉnh quy hoạch. Đây là cơ sở quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho nhân dân trong việc ổn định nơi ở và phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Trường Chinh cho biết: “Căn cứ vào tình hình hiện nay, nhu cầu của nhân dân là chính đáng và phù hợp, trên địa bàn phường có 36 vị trí của người dân cần đề nghị điều chỉnh. Hiện nay, UBND phường đang phối hợp với Phòng Quản lý đô thị để tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng các đồ án quy hoạch trên địa bàn phường, để đề nghị UBND thành phố xem xét, có ý kiến với UBND tỉnh thông qua Sở Xây dựng để sớm điều chỉnh quy hoạch cho bà con nhân dân trên địa bàn phường trong thời gian đến”.

Có thể nói, công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu được triển khai thường xuyên là việc làm rất cần thiết, qua đó kịp thời điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn, tạo tiền đề để nhân dân ổn định, an tâm sinh sống và lập nghiệp.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *