(kontumtv.vn) – Chịu ảnh hưởng của tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, hiện nay trên địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon tum) đã có nhiều diện tích lúa nước bị khô cháy và một số giếng nước sinh hoạt đã cạn. Nếu tình hình khô hạn kéo dài thì chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân.

Người dân thôn 1, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy cho biết, mọi năm, nước tưới phục vụ cho 20 ha diện tích lúa nước trên địa bàn thôn luôn được đảm bảo. Những năm hạn nhất cũng chỉ diễn ra vào giai đoạn lúa chuẩn bị thu hoạch, người dân chỉ cần chủ động bơm nước vào đồng ruộng là có thể khắc phục được. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi cây lúa mới được gieo sạ khoảng 3 tuần thì nguồn nước tưới cho cánh đồng đã bị khô hạn, 50% diện tích lúa đã thiếu nước nghiệm trọng, dẫn đến khô cháy. Bà Võ Thị Quảng (thôn 1, xã Sa Sơn) nói: “Nhà tôi năm nay có 2 ha ruộng bị mất nước hết rồi, nên bây giờ không biết làm ăn cái gì đây. Bây giờ khô hạn không có nước thì cắt lúa cho bò ăn rồi chờ mưa xuống thì làm lại vụ sau”.

Lúa nước bị khô hạn
Lúa nước bị khô hạn

Vụ đông xuân 2015 – 2016, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy xuống giống 84 ha lúa nước. Hạn hán đã gây ảnh hưởng đến 70% diện tích, chỉ còn khoảng 20 ha đảm bảo đủ lượng nước tưới. Ngoài ra, nắng hạn kéo dài nhiều ngày đã làm khô cạn giếng nước sinh hoạt của các hộ gia đình. Ông Lê Xuân Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sa Sơn cho biết: “Nước sinh hoạt của nhân dân thì hiện nay đã có 1 số giếng khô cạn. Toàn xã đã có trên 10 giếng nước đã khô hẳn, khoảng 30- 40 giếng nữa cũng đang chuẩn bị khô cạn. Xã đang kiến nghị với Ngân hàng CSXH cũng như các cấp, ngành hỗ trợ nguồn vốn và cây con để khắc phục khô hạn của xã hiện nay”.

Theo kết quả kiểm tra của Phòng NN& PTNT huyện Sa Thầy, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 30,8 ha lúa đông xuân bị khô hạn và một số diện tích khác đang có khả năng thiếu nước cao. Diện tích khô hạn chủ yếu tập trung ở thị trấn Sa Thầy, xã Sa Sơn và xã Sa Nghĩa. Dự báo từ 1 đến 2 tháng tới, diện tích khô hạn trên địa bàn toàn huyện sẽ tiếp tục tăng lên, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của  nhân dân. Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy nói: “Đập Đăk Nuôi năm nay lượng nước tưới chưa được 50% so với trung bình hằng năm. Chính vì lý do đó, UBND xã đã chủ động định hướng và cắt giảm bớt những diện tích hao nước. Hàng năm sản xuất từ 18 – 20 ha, nhưng do nước như thế nên xã đã thống nhất cắt giảm 8 ha, hiện nay chỉ còn sạ trên 10 ha ở vùng tưới đập Đăk Nuôi”.

Trước dự báo khô hạn trong vụ đông xuân năm nay, UBND huyện Sa Thầy đã trích kinh phí trên 100 triệu đồng để sửa chữa, kiên cố hóa các đập giữ nước và hỗ trợ giống ngô để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng có khả năng hạn cao. Mới đây nhất, UBND huyện đã quyết đinh hỗ trợ cho các địa phương chi phí trả công điều tiết nước và vận hành máy bơm chống hạn. Ngoài ra, người dân ở một số địa bàn bị khô hạn đã chủ động thuê mướn người chuyên lo công tác điều tiết nước, đảm bảo nguồn nước phân phối đầy đủ từ ruộng đầu kênh đến ruộng cuối kênh.

“UBND xã cũng đã có một số giải pháp khơi mương, cống rãnh và thuê riêng 1 nông dân phụ trách điều tiết nước, làm sao tiết kiệm nước để đảm bảo các diện tích đã gieo sạ sẽ có thu hoạch. Hiện tại đã có một số diện tích ở các khe suối nhỏ do lượng mưa năm nay rất ít, lượng nước ngầm không đảm bảo cho nên đã có hiện tượng khô cháy, có khả năng mất trắng. Dự báo nếu thời gian hạn dài thì năm nay diện tích lúa nước toàn xã mất trắng  khoảng 4 – 5 ha”. Ông Nguyễn Văn Niệm cho biết thêm.

Với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, nỗi lo mất mùa và thiếu nước sinh hoạt của người dân huyện Sa Thầy là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế thấp nhất tình trạng này, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Trạm Thủy nông, đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của người dân trong công tác điều tiết nước tưới đóng vai trò rất quan trọng vào thời điểm này.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *