(kontumtv.vn) – Việc bồi thường đất sản xuất, nhà ở và các tài sản trên đất thuộc Dự án xây dựng công trình trụ sở làm việc các sở, ban, ngành khối Văn hóa – Xã hội tỉnh Kon Tum diễn ra chậm đang gây nhiều khó khăn cho nhân dân. Đến nay, phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân tại khu vực này đã bị bỏ hoang, một số hộ tiếp tục canh tác nhưng cầm chừng, không dám mạnh dạn đầu tư.

Dự án xây dựng công trình trụ sở làm việc các sở, ban, ngành khối văn hóa – xã hội của tỉnh Kon Tum được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 428, ngày 25/4/2016. Dự án có tổng diện tích 27,4 ha, thuộc khu vực thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum.

Vùng đất quy hoạch
Vùng đất quy hoạch thôn Kon Hra Chót

Thực hiện theo Quyết định này, UBND thành phố Kon Tum đã ra thông báo thu hồi toàn bộ 27,4 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Đến cuối tháng 12/2017, chủ đầu tư đã tiến hành bồi thường đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho 70 hộ với diện tích 11,1 ha; tổng số tiền bồi thường gần 33 tỷ 290 triệu đồng. Diện tích 16,3 ha còn lại của 125 hộ dân đến nay vẫn chưa được chi trả. Tất cả bà con sinh sống, canh tác tại khu vực này đều đồng thuận cao với chủ trương thu hồi đất để xây dựng công trình, tuy nhiên việc chậm giải ngân đền bù đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Lương Thanh Hòa (thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất) có hơn 1 sào đất thuộc diện thu hồi nhưng chưa được đền bù cho biết, hơn 10 năm nay, mảnh đất này được gia đình luân phiên trồng nhiều loại cây cà chua, bầu, bí… Đây là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình sinh sống. Từ khi có quyết định thu hồi đất, phần lớn diện tích đất sản xuất của gia đình đã bỏ hoang. Ông Hòa nói: “Bên đo đạt, kiểm kê hoa màu, đất đai đã có hồ sơ đầy đủ, dân ký hết rồi, nhưng chúng tôi ở giai đoạn 2 là chưa có đồng nào hết, Nhà nước cũng chưa nói ngày nào phát tiền. Tôi kiến nghị nếu Nhà nước quyết định lấy thì thông báo ngày nào lấy, ngày nào chi trả tiền. Chứ bây giờ cứ để vậy thì dân đâu dám làm, kinh tế bị thiếu rồi. Cho nên đề nghị tỉnh, thành phố có hướng như thế nào để người dân ổn định”.

Tháng 8/2017, người dân nhận được thông báo tiếp tục sản xuất cây cối, hoa màu ngắn ngày, tuy nhiên do không nắm được thời hạn thu hồi đất nên bà con cũng không dám canh tác trên đất thuộc dự án. Đến nay, gần 50% diện tích đất đã bị bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Tỏ, người dân ở đây cho biết: “Trước đây sản xuất thì đời sống gia đình cũng ổn định, từ khi Nhà nước có lệnh thu hồi thì chúng tôi hơn 1 năm nay không có sản xuất nữa, gia đình cũng thiếu thốn. Bây giờ tôi yêu cầu Nhà nước đền bù sớm để tôi thuê đất chỗ khác tôi làm, có tiền để mà nuôi sống gia đình”.

“Tôi đề nghị Nhà nước nên đền bù nhanh chóng, nếu không đền bù thì ít nhất cũng tạo điều kiện gì đó cho người dân có công ăn việc làm, có đất sản xuất. Nếu Nhà nước không đền bù thì cho chúng tôi làm để chúng tôi cải thiện đời sống”. Ông Huỳnh Sử, người dân trong thôn đề nghị.

Hiện nay, một số hộ dân vẫn đang bám trụ với mảnh đất này, tuy nhiên do không biết thời điểm nào Nhà nước sẽ thu hồi đất nên người dân trồng cây mà không dám đầu tư chăm sóc, bón phân, năng suất cây trồng rất kém.Thực trạng chậm chi trả bồi thường của Dự án xây dựng công trình trụ sở làm việc các sở, ban, ngành khối Văn hóa – Xã hội của tỉnh còn dẫn đến việc mất an ninh trật tự trên địa bàn phường Thống Nhất, tình trạng trộm cắp tài sản hiện đang diễn ra phức tạp.

                                                                                        Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *