(kontumtv.vn) – Sau thời gian tăng giá liên tục và đạt mức 30.000đ – 50.000đ/kg, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đã không ngần ngại phá bỏ các loại cây ngắn ngày hay tận dụng diện tích vườn nhà ồ ạt trồng chanh dây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá chanh dây đã giảm sâu, chỉ còn từ 2.000đ – 3.000đ/kg, đã khiến nhiều hộ trồng loại cây này lâm vào cảnh khó khăn.

Gần một tháng nay, gia đình ông Đỗ Văn Tình (thôn 7, xã Đoàn Kết) như ngồi trên đống lửa khi vườn chanh dây được đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng từ lúc cho thu hoạch đến nay giá liên tục giảm mạnh, chẳng có tư thương đến hỏi mua. Để có thể bán được số chanh dây đang trong thời kỳ thu hoạch với sản lượng gần 150 kg/ngày, gia đình đã phải chọn những quả đẹp, chất lượng mang lên tận huyện Đăk Hà bán với giá chỉ  2-3 ngàn đồng/ kg. Ông Tình nói: “Đất đây hồi xưa trồng mì, trồng mía, nhưng thu nhập cũng thấp. Thấy dân ồ ạt trồng chanh dây thì tôi cũng trồng, trong vườn đây là 5 sào. Trồng cây này sâu bệnh nhiều, thuốc điều trị thì không có. Khi trồng cây chanh dây thì cũng mong muốn nhất là có đầu ra, nhưng thực tế bây giờ đầu ra không có, khó khăn lắm. Bà con nên cẩn thận khi trồng cây này, nó không có hiệu quả như tính đâu”.

Nhiều vườn chanh dây nông dân không thu hoạch vì thua lỗ
Nhiều vườn chanh dây nông dân không thu hoạch vì thua lỗ

Hiện trên địa bàn thành phố Kon Tum diện tích trồng chanh dây khoảng  33 ha. Trong đó, xã Đoàn Kết có diện tích lớn nhất, với trên 11 ha, gồm 18 hộ gia đình chuyển đổi, thay thế các loại cây trồng khác nhau. Trên thực tế, người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt khi giá cả tăng cao thì đua nhau trồng chanh dây mà không có sự lựa chọn thị trường đầu ra khi thu hoạch. Ông Lê Tự Đích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết nói: “Năm trước nói chung giá cả chanh dây rất ổn định, dân họ làm có lãi. Nhưng kể từ tháng 4/2017 đến nay thì giá chanh dây bấp bênh, không ổn định, dao động, từ đó nhân dân bị thua lỗ. Cơ bản nhất là đầu ra cho sản phẩm không ổn định, không có chỗ tiêu thụ, nên người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ. Nếu như tình hình giá cả vẫn duy trì như thế này thì những người trồng chanh dây chắc chắn sẽ thua lỗ rất nhiều, vì mức đầu tư trồng chanh dây là rất lớn”.

Chanh dây là loại cây trồng mới. Khi giá cao, bà con nông dân đua nhau ồ ạt trồng mà không tính toán đến đầu ra, thị trường tiêu thụ. Trong 1 tháng gần đây, khi giá chanh dây không ngừng hạ, đã khiến nhiều hộ gia đình bỏ vườn, không thu hoạch vì thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Vụ, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng trên 11 ha chanh dây, chủ yếu người dân trồng theo cách tự phát. Hiện nay đầu ra thì chủ yếu là bán qua tư thương, không có hợp đồng mua, bán. Khi nào giá chanh dây cao thì tư thương vào đông, còn hiện tại thì không ai mua. Chính quyền địa phương chúng tôi đã có khuyến cáo cho bà con trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên tìm đầu ra cho sản phẩm mình làm và phải có kí kết hợp đồng. Nên tập trung chuyển đổi cây trồng theo khuyến cáo của chính quyền, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn”.

Trong sản xuất nông nghiệp, khi người nông dân không thể làm chủ về đầu ra sản phẩm, giá cả, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thì nguy cơ thất bại rất cao. Bài học từ việc trồng bí đỏ, cà chua trong thời gian qua và cây chanh dây trên địa bàn đáng để suy ngẫm. Để phát triển cây trồng một cách bền vững, bà con cần lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, trong đó việc tham khảo và theo định hướng của cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền, dựa trên nhu cầu thực tiễn của thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế là rất cần thiết.

Đình Quang – Vi Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *