(kontumtv.vn) – Còn chưa đầy một tháng nữa sẽ thu hoạch lúa vụ mùa, nhưng bà con nông dân phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum không khỏi lo lắng khi hiện tượng lúa cỏ, còn gọi là lúa ma xuất hiện rất nhiều trên đồng ruộng. Lúa cỏ thường mọc cao hơn và làm rợp cây lúa thường dẫn đến giảm năng suất. Mặc khác lúa cỏ rất dễ rụng hạt và rụng trước kỳ thu hoạch lúa thường. Nếu không có biện pháp phòng trừ, mùa sau sẽ tiếp tục mọc lại gây thiệt hại cho người dân.   

Gia đình Ông Đinh Trường Hải (tổ dân phố 2, phường Nguyễn Trãi) có hơn một sào ruộng tại cánh đồng Hà Gẹc thuộc xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Các mùa vụ khác, ông đều mua giống tại cửa hàng bán lúa giống. Trong vụ này ông mua 20 kg giống RVT về sản xuất. Ban đầu lúa vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau ông thấy cây lúa lên thành nhiều lớp, sau đó trổ bông rất kém, đến lúc lúa vừa chín chỉ cần chạm nhẹ vào thân hạt đã rụng hết. Biết lẫn cây lúa cỏ trong diện tích canh tác nên ông cắt về cho bò ăn, chấp nhận thua lỗ. Ông Đinh Trường Hải nói: “Thời điểm ban đầu khoảng 30 ngày, vãi phân đợt 2 thì phát hiện nó. Khi phát hiện ra thì cũng không biết làm gì cho nó hết, nhổ thì nhổ không nổi; phân thì càng vãi thì nó càng lên, lớn lên thì nó lấn lúa của mình hư hết chứ không còn nữa. Chín lên vừa vàng là nó rụng còn cái chà không. Bây giờ anh cắt, phá luôn để vụ sau anh làm lại chứ mỗi vụ mùa để lại là nó có thêm, nên anh không để nữa”.

Lúa cỏ xuất hiện nhiều trên đồng ruộng phường Nguyễn Trãi
Lúa cỏ xuất hiện nhiều trên đồng ruộng phường Nguyễn Trãi

Không chỉ gia đình ông Hải, hàng chục hộ dân ở phường Nguyễn Trãi đang lo lắng vì xuất hiện lúa cỏ quá nhiều. Có hộ cố gắng cắt bỏ lớp lúa cao để cứu vớt lớp lúa dưới thấp. Nhiều đám ruộng lúa cỏ cao ngang với giống lúa do gia đình gieo sạ nên chấp nhận để lại. Tuy nhiên, dù người dân để lại thì đến khi bông lúa vừa chín là hạt lúa cũng rụng hết, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Ông Trần Văn Chỉnh (tổ dân phố 1, phường Nguyễn Trãi) cho biết: “Cây lúa ma này, mấy năm nay chỉ có một vài đám thôi nhưng không hiểu năm nay tại sao nó nhiều cả đồng. Nó ảnh hưởng lớn đấy. Bây giờ, phải bỏ, cắt cho bò, bỏ hủy hết mùa này không thu hột nào hết. Bây giờ, nếu cắt thì công đổ vào cắt lựa ra thì nó dập lúa kia. Nếu không cắt thì sang năm khả năng bỏ ruộng. Cái đó thì dân cũng chịu không biết được, đành bó tay”.

Trước tình trạng lúa cỏ xuất hiện ngày càng nhiều, người dân đã thực hiện một số giải pháp như cắt bỏ một phần, cắt bỏ hoàn toàn nhưng diện tích quá nhiều làm nông dân vô cùng lo lắng, vì chưa biết nguyên nhân và hướng giải quyết cho các mùa vụ sau. Ông Trần Văn Chỉnh (tổ dân phố 1, phường Nguyễn Trãi) nói: “Bây giờ phải đưa kỹ thuật về, có hướng dẫn kỹ thuật về chứ tôi thấy các nơi kỹ thuật họ bám sát theo đồng ruộng, còn ở đây thì phó thác cho dân cho nên bây giờ các đồng ruộng ngày càng hư vừa các loại cỏ, rồi giờ lúa ma và các loại bao bì, thuốc thực vật người dân vô ý vứt bỏ thì tôi thấy vài năm nữa sẽ rất tai hại”.

 “Trung tâm sẽ đưa ra một số giải pháp là cử cán bộ kỹ thuật xuống nắm bắt tình hình, hướng dẫn bà con nông dân một số giải pháp để phòng trừ cây lúa ma. Khuyến cáo bà con khi điều kiện thời tiết thuận lợi bà con nên dẫn nước vào ruộng để kích thích các hạt mầm cây lúa ma phát triển, sau đó 4 đến 5 ngày bà con nông dân cho cày xới đất, làm nhuyễn đất để tiêu diệt hoàn toàn mầm cây lúa ma, sau đó bà con mới tiến hành gieo”. Ông Huỳnh Đăng Nguyễn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc kiểm tra lại giống lúa, trong quá trình canh tác, bà con nông dân rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và hợp tác xã trong việc tư vấn, hỗ trợ nhằm đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *